Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thiếu quy định bảo vệ quyền trẻ em
Thảo luận về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, ngày 26/11, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo luật này không có bất kỳ một quy định nào liên quan tới bảo vệ quyền lợi của trẻ em, thậm chí còn 'vô hiệu hóa' các quy định về bảo vệ quyền lợi của trẻ em ở một số luật khác.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Nhiều đại biểu bày tỏ tán thành sự cần thiết phải ban hành dự án luật này theo Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với phương thức hòa giải linh hoạt, hiệu quả, không trùng lặp và khắc phục được một số những hạn chế, bất cập của các hình thức hòa giải hiện hành.
Với một số nội dung cụ thể liên quan tới việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, đoàn Quảng Bình, cho rằng, Bộ luật Tố tụng dân sự có một trong những nội dung được dư luận quốc tế đánh giá rất cao về bảo vệ quyền lợi của trẻ em trong hoạt động tố tụng, kể cả trong hoạt động hòa giải trong tố tụng tại Tòa án. Theo đó, Bộ luật Tố tụng dân sự quy định khi giải quyết các vụ việc có liên quan đến trẻ em thì người giải quyết phải là những người am hiểu lĩnh vực về trẻ em. Việc giải quyết phải có sự tham gia của các tổ chức, cơ quan liên quan. Trong một số trường hợp nhất định thì phải hỏi ý kiến của trẻ em.
Đại biểu này nêu ví dụ khi một hòa giải các tranh chấp về sau ly hôn liên quan tới quyền nuôi con thì phải hỏi ý kiến của trẻ em từ trên 7 tuổi. Khi hỏi phải bảo đảm thân thiện với trẻ em, phải bảo đảm phù hợp với tâm sinh lý của trẻ em.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, trong dự thảo Luật Hòa giải này không có bất kỳ một quy định nào liên quan tới bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Với quy định là “quyết định hòa giải thành công có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị”, thì có thể nói rằng, Luật Hòa giải này sẽ vô hiệu hóa các quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự về bảo vệ quyền lợi của trẻ em.
Đại biểu này bày tỏ đồng tình về trình tự thủ tục trong hòa giải phải thuận tiện, đơn giản nhưng không vì thế mà bỏ qua tất cả mọi quy định liên quan tới bảo vệ quyền lợi của trẻ em, một đối tượng cần phải đặc biệt bảo vệ ở trong xã hội. “Tôi đề nghị phải bổ sung các nội dung này và việc bổ sung cũng rất đơn giản, không phức tạp và rất khả thi”, đại biểu Cường nhấn mạnh.
Quan tâm tới các đối tượng thiệt thòi, yếu thế, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đoàn Hà Nội, cho biết: Khoản 6 Điều 3 dự thảo luật này quy định “người tham gia hòa giải, đối thoại là người khuyết tật nghe, khuyết tật nói hoặc khuyết tật nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu và chữ riêng cho người khuyết tật, trường hợp này phải có người người biết ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật để dịch lại, chi phí cho người phiên dịch trong trường hợp này do người đề nghị chi trả, trừ trường hợp các bên tham gia hòa giải, đối thoại có thỏa thuận khác.
Theo đại biểu Khánh, quy định này chưa phù hợp với Luật Người khuyết tật là được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội tại Điều 4 hoặc là khuyến khích hoạt động trợ giúp người khuyết tật tại Điều 5, cơ quan tổ chức trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật tại Điều 7.
Bên cạnh đó, Luật Trợ giúp pháp lý cũng quy định, người được trợ giúp pháp lý là người nghèo, người có công, người già cô đơn, người khuyết tật, trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Thực tế, người khuyết tật cũng có khi đồng thời là những người được trợ giúp pháp lý nêu trên. Vì vậy, đại biểu này đề nghị cần nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 3 dự thảo luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.
Giải đáp những ý kiến của đại biểu, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, cho rằng, những vấn đề đảm bảo quyền của trẻ em và vấn đề nhà nước đảm bảo kinh phí cho người nghèo, người khuyết tật trong mọi trường hợp liên quan đến hòa giải được các đại biểu nêu là những điều rất đáng lưu ý và cần được tiếp thu.
Về hoạt động hòa giải, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết: Hòa giải viên có quyền mời những người khác tham gia, có thể mời thầy giáo, mời linh mục, thượng tọa, những người có uy tín, già làng, trưởng bản… Với sự hỗ trợ của những người có uy tín trong xã hội không thể quy định bắt buộc họ phải tham gia.
Ông Nguyễn Hòa Bình lý giải: “Thẩm phán khi tiến hành hòa giải trong tố tụng phải được tiến hành trong giờ làm việc và tại cơ quan, anh không được phép đưa ra ngoài, đưa ra ngoài là vi phạm”.
Còn “hòa giải viên hoàn toàn có thể đến nhà rủ nhau ra quán, người ta tâm tình, động viên miễn làm sao khơi dậy được lòng nhân ái, sự vị tha, cao thượng, sẵn sàng chia sẻ”. Phương pháp hòa giải này ưu việt chính là ở sự linh hoạt và mềm dẻo.