Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần khắc phục những bất cập, khó khăn của ngành y tế
Các đại biểu ngành Y tế Hà Tĩnh đã đưa ra các ý kiến góp ý, đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trong thời gian tới.
Chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 12/5, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Sở Y tế tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Quyền Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tuấn chủ trì hội nghị.
Sau gần 11 năm triển khai thực hiện, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, quá trình thực thi, Luật Khám bệnh, chữa bệnh còn nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh là cần thiết.
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương, 106 điều. Cụ thể: Những quy định chung (gồm 7 điều); quyền, nghĩa vụ của người bệnh (9 điều); người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (25 điều); cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (11 điều); các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh (22 điều); khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền (3 điều); áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh (2 điều); sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh (6 điều); các điều kiện đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh (10 điều); khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh (2 điều); khám bệnh, chữa bệnh trong thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A (4 điều); điều khoản thi hành (5 điều).
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, các đại biểu đề nghị làm rõ lộ trình việc thay đổi khái niệm từ “chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh” sang “giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh”. Việc quy định hồ sơ; thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (điều 20) có thể phát sinh các thủ tục hành chính. Ngoài ra, cần cân nhắc, xem xét quy định sử dụng thành thạo ngôn ngữ tiếng Việt đối với người nước ngoài đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam (điều 24).
Đại biểu đề nghị xem xét lại việc cấp giấy phép hành nghề cho đối tượng bác sỹ chính quy sau khi ra trường (cấp ngay sau khi có bằng tốt nghiệp do kỳ thi tốt nghiệp được xem là kỳ thi sát hạch cấp quốc gia); cần quy định thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề thuộc sở y tế theo luật hiện hành. Việc đánh giá năng lực hành nghề cần quy định chặt chẽ với các đối tượng như lương y, người có bài thuốc gia truyền...
Đại biểu cho rằng, tại phòng khám thuộc một số địa phương đặc thù nên cho thu dung điều trị nội trú để người bệnh có thêm quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh khi không có điều kiện lên bệnh viện/trung tâm y tế; bổ sung chức danh nghề nghiệp đối với y sỹ tuyến xã và cấp giấy phép hành nghề cho đối tượng này để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh.
Về giá trị thời hạn của giấy phép hành nghề, đại biểu đề xuất là vô thời hạn đối với người hành nghề liên tục và không thay đổi vị trí việc làm, 5 năm đối với người hành nghề không liên tục.
Đối với Mục 2, Chương II, quy định về nghĩa vụ của người bệnh, đề nghị sửa thành nghĩa vụ của người bệnh và gia đình người bệnh. Bổ sung quy định về hồ sơ và phân loại kỹ thuật mới; bỏ quy định thời gian trong khám bệnh, chữa bệnh, phẫu thuật; bỏ quy định phải có bác sĩ gây mê trong phẫu thuật Phaco vì phẫu thuật Phaco chỉ gây tê, không gây mê...
Đại biểu cũng cho rằng, cần quy định cụ thể về quản lý giá đối với trang thiết bị y tế, vật tư hóa chất sinh phẩm; dự thảo luật cần khắc phục những bất cập về thanh toán tiền bảo hiểm y tế, chi trả, mua sắm trong bệnh viện...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu. Đồng thời, làm rõ hơn các nội dung liên quan đến vướng mắc trong bảo hiểm y tế; đảm bảo công bằng giữa y tế tư nhân và y tế công lập; nâng cao chất lượng tại các cơ sở khám, chữa bệnh; việc phân tuyến khám, chữa bệnh theo quy định...
Các ý kiến sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để trình lên Quốc hội, góp phần đảm bảo cho hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội đạt hiệu quả tốt nhất.