Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Cần làm rõ cơ chế tự chủ của bệnh viện công
Tiếp tục kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 24/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận tại hội trường.
Dự thảo Luật bổ sung nhiều nội dung
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung chức danh “tâm lý trị liệu”; bổ sung quy định Bộ trưởng Bộ Y tế quy định phạm vi hoạt động chuyên môn đối với từng chức danh chuyên môn.
Về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để cấp giấy phép hành nghề, dự thảo quy định việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề sau khi thực hành và do Hội đồng Y khoa thực hiện; lộ trình thực hiện đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với các chức danh hành nghề; đồng thời, dự thảo bổ sung 1 điều quy định về vị trí pháp lý, nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia.
Về thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng giao thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ và thu hồi giấy phép hành nghề cho các cơ quan quản lý Nhà nước như quy định tại Điều 29.
Về quy định liên quan đến cấp cứu, dự thảo Luật đã quy định 2 hình thức tổ chức cấp cứu, đó là, cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cấp cứu ngoại viện; bổ sung quy định về hoạt động, nguyên tắc, tiêu chí tổ chức hệ thống cấp cứu ngoại viện, cơ chế thanh toán, nguồn kinh phí chi trả cho hình thức vận chuyển cấp cứu trong trường hợp tai nạn, thiên tai, thảm họa, làm cơ sở để UBND cấp tỉnh tổ chức hệ thống cấp cứu ngoại viện của Nhà nước trên địa bàn được giao quản lý; bổ sung cơ sở cấp cứu ngoại viện vào hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự án Luật Giá (sửa đổi) đang được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này; nguyên tắc, phương pháp tính giá cũng như thẩm quyền quyết định giá cần được quy định tại Luật chuyên ngành về giá để đảm bảo tính bao quát, toàn diện, do đó, đề nghị Quốc hội cho phép tại Điều 108 chỉ quy định về chi phí khám bệnh, chữa bệnh, việc quản lý, kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh và các yếu tố căn cứ tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, bổ sung quy định ngân sách nhà nước chi bù các khoản chi phí chưa được tính trong giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước tại khoản 4 Điều 106 dự thảo Luật và quy định lộ trình thực hiện việc chi bù này được áp dụng từ 1/1/2027.
Đáng chú ý, dự thảo Luật đã được rà soát và bổ sung chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe đối với một số đối tượng và chính sách phát triển hệ thống cấp cứu tại cộng đồng, đầu tư cho y tế cơ sở, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Cơ chế để tự chủ vẫn là khoảng trống trong dự thảo Luật
Tại phần thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ đồng thuận với nhiều nội dung của dự thảo Luật; cho rằng, Ban soạn thảo đã làm việc rất công phu, các nội dung của dự thảo Luật đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến của ĐBQH. Đồng thời các đại biểu cũng có thêm nhiều ý kiến, trong đó, cơ chế tự chủ của bệnh viện công là một trong những vấn đề “nóng”.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH Hà Nội) nhận định, việc các bệnh viện lớn có danh tiếng luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập.
Đại biểu Cường chỉ rõ tất cả những vấn đề bất cập nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là "cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện công khai thác, phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình".
Theo đại biểu Cường, những cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có danh tiếng và uy tín thành nơi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế vẫn đang là một khoảng trống trong dự thảo luật.
Do vậy, vị đại biểu này đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) một số nội dung: Thứ nhất cần phải quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định các hoạt động khám chữa bệnh tổ chức bộ máy và con người cũng như tự chủ trong quyết định những vấn đề về tài chính của bệnh viện, kể cả nguồn thu từ ngân sách... Thứ hai, cần quy định cơ chế xác định giá dịch vụ y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh tự chủ có sự khác biệt so với các đơn vị chưa tự chủ.
Thứ ba, quy định rõ cơ chế quản lý tài chính đối với bệnh viện tự chủ về tự quyết định sử dụng nguồn thu, mức chi, mức trả tiền lương, đầu tư, mua sắm và trích các quỹ đầu tư phát triển hay hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Thứ tư cần quy định rõ cơ chế quản lý tài sản để các bệnh viện chủ động trong việc lựa chọn phương thức đầu tư mua sắm, đi thuê, liên doanh liên kết các máy móc, trang bị và sử dụng có hiệu quả nhất.
Thứ tư, cần quy định cơ chế quản lý, giám sát hoạt động đối với bệnh viện tự chủ, như tổ chức và vai trò, chức năng của hội đồng quản lý bệnh viện, giám đốc bệnh viện; cơ chế quản lý người lao động như tuyển dụng, sa thải, bổ nhiệm và đánh giá người lao động; cơ chế báo cáo, cơ chế quản lý, cơ chế giám sát của các cơ quan cấp trên đối với các bệnh viện tự chủ…
Nhận xét về dự thảo Luật, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP HCM) cho rằng những phân tích, đánh giá và giải pháp đưa ra trong dự án luật này chưa thể giải quyết được các bất cập về việc xã hội hóa và cơ chế tự chủ của các bệnh viện công. Mục tiêu chính của xã hội hóa là phát huy được năng lực của cán bộ, nhân viên y tế trong mỗi cơ sở khám chữa bệnh để tăng cường chất lượng. Tuy nhiên, quy định hiện nay chỉ loay hoay tập trung vào việc làm sao giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế thấp nhất, bảo hiểm y tế thanh toán mức thấp nhất.
Đại biểu Lan cho biết, sau hàng chục năm tiến hành xã hội hóa, tự chủ bệnh viện, tới giờ chưa hề có một hoạt động tổng kết, đánh giá chính thức về mô hình này để có thể mổ xẻ yếu chỗ nào, từ đó đề ra được giải pháp. Thời gian qua đã ghi nhận những bệnh viện đầu ngành, với lượng chất xám, lượng cán bộ, cơ sở bệnh viện khang trang, đồ sộ cũng phải rút khỏi tự chủ vì thực chất chưa có tự chủ.
"Nhiều bệnh viện xin rút không tự chủ. Xã hội hóa được hiểu một cách đơn giản và thấy trên thực tế là ở mức Nhà nước ngưng chi trả lương, còn cơ chế tổ chức nhân sự, tài chính và mua sắm thì các bệnh viện đều không tự quyết được", đại biểu Lan nói. Theo vị đại biểu này, dự thảo Luật cần tham khảo thêm mô hình ở các nước.