Dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp:Nên xây dựng một khái niệm có nội hàm chung, đầy đủ nhất về tình trạnh khẩn cấp

Theo Nghị quyết số 55/2024/QH15 ngày 28/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật Tình trạng khẩn cấp trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ Mười (tháng 10/2025).

Làm rõ sự phù hợp của 3 khái niệm về trình trạng khẩn cấp

Việc ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp là cần thiết, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật về tình trạng khẩn cấp, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tại Điều 2 về giải thích từ ngữ của dự thảo Luật có 3 khái niệm về tình trạng khẩn cấp là: Tình trạng khẩn cấp; Tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và Tình trạng khẩn cấp về thảm họa lớn. Đây là các nội dung quan trọng cần được làm rõ để quy định các nội dung khác của dự thảo Luật, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi.

Các ĐBQH tham dự phiên làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tình trạng khẩn cấp chiều 27/5. Ảnh: Phạm Thắng

Các ĐBQH tham dự phiên làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tình trạng khẩn cấp chiều 27/5. Ảnh: Phạm Thắng

Qua nghiên cứu các bản Hiến pháp cho thấy, nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng có liên quan, lần đầu tiên trong Hiến pháp năm 1992 đã quy định nội dung cơ bản, quan trọng nhất về chế định “tình trạng khẩn cấp” tại 4 điều khoản trực tiếp liên quan đến việc xác định thẩm quyền thực hiện của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ, làm cơ sở để cụ thể hóa nội dung các hiến định này tại các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Cụ thể, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội quyết định “về tình trạng khẩn cấp” (khoản 12, Điều 84); Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn quyết định “ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc từng địa phương" (khoản 10, Điều 91); căn cứ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước có nhiệm vụ, quyền hạn “ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc từng địa phương" (khoản 6, Điều 103); Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn “thi hạn lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp” (khoản 6, Điều 112).

Kế thừa các nội dung trên, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung, thể chế hóa làm rõ hơn 3 quy định về tình trạng khẩn cấp là: Trường hợp thật cần thiết vì lý do “tình trạng khẩn cấp, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường” (khoản 3, Điều 32); Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp” (khoản 4, Điều 54) và cụ thể hóa hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước “căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ra lệnh công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương” (khoản 5 Điều 88).

Cụ thể hóa chế định tình trạng khẩn cấp tại Hiến pháp năm 1992, ngày 23/3/2000, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp với 4 chương, 22 điều. Pháp lệnh này là văn bản pháp lý cao nhất chuyên ngành về lĩnh vực tình trạng khẩn cấp cho đến nay. Pháp lệnh đã quy định khá cụ thể về tình trạng khẩn cấp trong 3 trường hợp khi trong cả nước hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm hoặc có tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Để bổ sung đầy đủ các trường hợp áp dụng tình trạng khẩn cấp, tại khoản 8 Điều 3 Luật Quốc phòng năm 2005 đã quy định, “Tình trạng khẩn cấp về quốc phòng là trạng thái xã hội của đất nước khi có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc đã xảy ra hành động vũ trang xâm lược hoặc bạo loạn, nhưng chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh”.

Như vậy, ngoài Luật Quốc phòng, qua rà soát hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về 3 khái niệm tình trạng khẩn cấp như tại dự thảo Luật này mà chủ yếu chỉ viện dẫn theo hướng áp dụng, thực hiện “theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp”.

Do đó, cần làm rõ sự phù hợp của 3 khái niệm về trình trạng khẩn cấp tại dự thảo Luật và khái niệm “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng” tại Luật Quốc phòng với quy định có liên quan của Hiến pháp. Theo chúng tôi, Hiến pháp chỉ có một khái niệm chung “tình trạng khẩn cấp” mà không có các khái niệm riêng tình trạng khẩn cấp về từng lĩnh vực (trường hợp) cụ thể. Theo đó, Hiến pháp đã quy định rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền quyết định về tình trạng khẩn cấp của từng chủ thể là Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ.

Nếu trong hệ thống pháp luật có 4 quy định khác nhau về tình trạng khẩn cấp như trên thì khi các cấp, người có thẩm quyền theo Hiến pháp quyết định, ban bố, công bố, bãi bỏ, thi hành lệnh tình trạng khẩn cấp thì tên của Nghị quyết ban bố hay của Lệnh công bố tình trạng khẩn cấp đó có cần ghi rõ tình trạng khẩn cấp về lĩnh vực nào không?

Đề nghị lý do ban bố tình trạng khẩn cấp quy định tại Nghị quyết ban bố hoặc Lệnh công bố tình trạng khẩn cấp

Tại Nghị quyết số 41/2021/QH15, ngày 13/11/2021 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV đã yêu cầu Chính phủ “sớm nghiên cứu, đề xuất nâng Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp lên thành luật”. Nhiệm vụ này cũng được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Quang cảnh phiên làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tình trạng khẩn cấp chiều 27/5. Ảnh: Phạm Thắng

Quang cảnh phiên làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tình trạng khẩn cấp chiều 27/5. Ảnh: Phạm Thắng

Qua nghiên cứu cho thấy, Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp chỉ có một điều quy định chung về tình trạng khẩn cấp, cụ thể (Điều 1) quy định: “Tình trạng khẩn cấp khi trong cả nước, một hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn do thiên nhiên và con người gây ra, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước và tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân hoặc có tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp để áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm kịp thời ngăn chặn, hạn chế và khắc phục hậu quả xảy ra, nhanh tróng ổn định tình hình”.

Đồng thời, Pháp lệnh quy định các biện pháp đặc biệt được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp, như: Khi có thảm họa lớn (Điều 6); khi có dịch bệnh nguy hiểm (Điều 7) và về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (Điều 8). Theo chúng tôi, cách quy định này tại Pháp lệnh là phù hợp.

Dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp là dự luật chuyên ngành có tính pháp lý cao nhất cần thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng có liên quan, cụ thể hóa được quy định của Hiến pháp, khắc phục được những vướng mắc do hiện nay các quy định về tình trạng khẩn cấp đang có ở rất nhiều văn bản pháp luật, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi.

Do đó, để đáp ứng được các yêu cầu nêu trên, theo chúng tôi cần nghiên cứu theo hướng chỉ nên xây dựng một khái niệm có nội hàm chung, đầy đủ nhất về tình trạnh khẩn cấp. Còn lý do ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ quy định tại nội dung của Nghị quyết ban bố hoặc Lệnh công bố tình trạng khẩn cấp; đối với các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp như khi có về quốc phòng, về an ninh, trật tự, về thiên tai, dịch bệnh sẽ quy định tại các điều khoản khác của dự thảo Luật.

ThS. Đoàn Phúc Thịnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/du-thao-luat-tinh-trang-khan-cap-nen-xay-dung-mot-khai-niem-co-noi-ham-chung-day-du-nhat-ve-tinh-tranh-khan-cap-10373968.html