Dự thảo mới nhất về xăng dầu: Không còn quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Không còn quy định về quỹ bình ổn, trao quyền doanh nghiệp tự quyết giá bán là những nội dung đáng chú ý trong dự thảo thảo mới nhất nghị định về kinh doanh xăng dầu mà Bộ Công Thương vừa hoàn thiện.

Dự thảo này đã được Bộ Công Thương gửi Bộ Tư pháp thẩm định theo quy trình xây dựng nghị định của Chính phủ.

Quỹ bình ổn giá hết vai trò

Trong hai nội dung này, mới nhất là về vấn đề quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Theo đó, không còn quy định về quỹ bình ổn nữa, cũng tức là chấm dứt mô hình vốn tồn tại nhiều năm qua với tính chất là công cụ tự thân giúp bình ổn giá bán lẻ xăng, dầu.

Theo cơ quan soạn thảo, thời gian qua, quá trình thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chuyên môn của Đảng, Chính phủ có ý kiến rằng việc trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn theo quy định lâu nay là chưa chưa phù hợp với Luật Giá.

Mặt khác, kể từ khi rút ngắn chu kỳ điều hành giá từ 10 xuống 7 ngày đến nay đã 8 tháng. Diễn biến cho thấy mức biến động giá giữa hai lần điều chỉnh cơ bản không lớn. Tác động của điều chỉnh giá bán xăng dầu lên tình hình kinh tế - xã hội không nhiều, chưa phải sử dụng đến quỹ để bình ổn giá xăng dầu. Như vậy, không cần phải duy trì quỹ bình ổn giá nữa.

 Bộ Công Thương đề xuất doanh nghiệp xăng dầu được tự quyết giá bán nhưng không vượt quá giá được tính toán theo công thức. Ảnh: PHI HÙNG

Bộ Công Thương đề xuất doanh nghiệp xăng dầu được tự quyết giá bán nhưng không vượt quá giá được tính toán theo công thức. Ảnh: PHI HÙNG

Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, thay vì dựa vào nguồn quỹ bình ổn để can thiệp thì Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đánh giá tình hình.

Tùy mức độ biến động giá thị trường mặt hàng xăng dầu, mức độ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, Bộ Công Thương ý kiến với Bộ Tài chính tổng hợp để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá.

Trao quyền cho doanh nghiệp quyết định giá

Dự thảo mới nhất tiếp tục giữ đề xuất trao doanh nghiệp quyền tự quyết định giá bán xăng dầu, nhưng phải trên cơ sở các yếu tố do cơ quan quản lý công bố.

Theo đó, cơ quan quản lý sẽ công bố 3 chỉ số: Giá xăng dầu thế giới, premium, bình quân 7 ngày/lần; chi phí vận tải xăng dầu về Việt Nam, chi phí bảo hiểm đưa xăng dầu về Việt Nam bình quân 1 quý/lần (được rà soát, điều chỉnh khi có biến động bất thường); và lợi nhuận định mức (vẫn giữ 300 đồng/lít/kg xăng dầu).

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như chi phí thuế, chi phí kinh doanh định mức... để công bố giá bán buôn với dầu mazut và giá bán lẻ xăng dầu. Giá bán công bố không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định tại nghị định.

Trường hợp chi phí kinh doanh định mức biến động bất thường, tác động đến nguồn cung xăng dầu và có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, Bộ Công Thương lấy ý kiến và báo cáo Thủ tướng rà soát chi phí.

Thời gian công bố giá bán xăng dầu của thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu được thực hiện ngay sau khi Bộ Công Thương công bố giá sản phẩm xăng dầu thế giới, premium.

Cơ sở của đề xuất này, theo Bộ Công Thương, là vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra và kết luận rằng việc xây dựng giá cơ sở theo quy định hiện hành có nhiều tồn tại, bất cập, dẫn đến giá cơ sở xăng dầu chưa theo sát thị trường, ảnh hưởng đến việc tạo nguồn và phân phối xăng dầu.

Do vậy, cơ chế mới như dự thảo khi được thực hiện công khai, minh bạch sẽ khắc phục được những mặt hạn chế đã bộc lộ. Đây cũng là cơ chế điều hành mà nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đang áp dụng.

Thêm quyền, nghĩa vụ cho thương nhân đầu mối, phân phối

Trong dự thảo lần này, nhằm tạo nguồn cung ứng xăng dầu đa dạng, ổn định, Bộ Công Thương đề xuất bổ sung thương nhân đầu mối được quyền nhập khẩu dầu thô cung cấp cho nhà máy sản xuất, chế biến xăng dầu, cũng như được nhập khẩu xăng dầu nguyên liệu để pha chế xăng dầu.

Thương nhân đầu mối được bán xăng dầu cho cơ quan, tổ chức, nhà máy để phục vụ sản xuất, bán, cung ứng xăng dầu cho thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ xăng dầu.

Việc trao thêm quyền này cũng kèm theo ràng buộc là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải tăng thời gian dự trữ lưu thông và cụ thể hóa sản lượng dự trữ, làm căn cứ cho cơ quan quản lý giám sát, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Đối với thương nhân phân phối, Bộ Công Thương đề xuất bổ sung thương nhân phân phối được bán xăng dầu cho cơ quan, tổ chức, nhà máy để phục vụ sản xuất; cung ứng xăng dầu cho thương nhân bán lẻ xăng dầu; được phân phối xăng dầu thông qua các đơn vị trực thuộc, bao gồm các công ty con, chi nhánh, kho, cửa hàng bán lẻ xăng dầu của thương nhân.

Tuy nhiên, nhằm minh bạch hóa thị trường kinh doanh xăng dầu, loại bỏ việc mua bán lòng vòng làm tăng thêm chi phí, Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm không cho thương nhân phân phối được mua bán xăng dầu với nhau. Đây cũng là ý kiến của các cơ quan thanh tra, kiểm tra.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/du-thao-moi-nhat-ve-xang-dau-khong-con-quy-binh-on-gia-xang-dau-post800166.html