Dự thảo Nghị định: 6 điều và… 6 hạt sạn
Dù là 'Dự thảo lần 2' song đọc toàn bộ nội dung vẫn có thể thấy một vài điều hơi lạ.
Dự thảo “Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học” (Dự thảo) đang được công bố lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Đây là bản “Dự thảo lần 2” nghĩa là Dự thảo Nghị định đã qua một lần chỉnh sửa.
Toàn văn Dự thảo Nghị định chỉ gồm có 06 điều, viết chưa kín 03 trang giấy khổ A4 (kiểu chữ Times New Roman - cỡ chữ 12).
Nét mới của “Dự thảo lần 2” là so với Nghị định số 141/2013/NĐ-CP không quy định thời gian kéo dài cứng với giảng viên trong diện được phép kéo dài (Tiến sĩ – 05 năm, Phó giáo sư – 07 năm; Giáo sư – 10 năm) mà do cơ sở giáo dục đại học quy định.
Dù là “Dự thảo lần 2” song đọc toàn bộ nội dung vẫn có thể thấy một vài điều hơi lạ:
Thứ nhất, về văn phạm
Có nhiều “căn cứ” được nêu trong trong phần đầu bản Dự thảo và hình như tất cả “căn cứ” khi đọc lên đều cho cảm giác chưa phải một câu văn hoàn chỉnh, chẳng hạn:
“Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019”;
Trong tiếng Việt, “Trạng ngữ” là thành phần nằm trong câu có nhiệm vụ xác định thời gian, nguyên nhân, nơi chốn, mục đích… của sự việc, hành động (của chủ ngữ) được nhắc đến trong câu. Nhiệm vụ của trạng ngữ là trả lời các câu hỏi: Khi nào?; Ở đâu?; Vì sao?; Để làm gì?.
Có thể thấy cụm từ “ngày 14 tháng 6 năm 2019” đóng vai trò trạng ngữ chỉ thời gian, thành phần còn lại “Căn cứ Luật Giáo dục” được hiểu là thành phần chính của câu tức là thành phần “Chủ-Vị”, nhưng đâu là chủ ngữ, đâu là vị ngữ? Phải chăng “Luật Giáo dục” là chủ ngữ còn “Căn cứ” là vị ngữ hay ngược lại?
Một câu tiếng Việt hoàn chỉnh có phải nên viết là:
“Căn cứ Luật Giáo dục ban hành ngày 14 tháng 6 năm 2019”, hoặc
“Căn cứ Luật Giáo dục có hiệu lực thi hành ngày ngày 14 tháng 6 năm 2019”?
Điều thú vị là một câu viết được cho là chưa hoàn chỉnh về văn phạm lại được sử dụng phổ biến trong hầu như mọi văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam!
Thứ hai, về pháp lý:
Câu “Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019” liên quan đến vấn đề pháp lý.
Luật Giáo dục được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 06 năm 2019.
Khoản 1, điều 114 “Hiệu lực thi hành” trong Luật Giáo dục ghi rõ:
“1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020”.
Như vậy tại thời điểm ngày 14/06/2019, Luật Giáo dục (Luật số 43/2019/QH14) chưa có hiệu lực thi hành. Viết “căn cứ” vào “Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019” dễ gây sự lầm lẫn là bộ luật này có giá trị pháp lý từ ngày 14/06/2019.
Vì phải đến ngày 01/07/2020 các điều trong bộ luật số 43/2019/QH14 mới có hiệu lực thi hành nên từ ngày 14/06/2019 đến ngày 01/07/2020 mọi hoạt động liên quan vẫn phải căn cứ vào các bộ Luật Giáo dục cũ (Luật số 38/2005/QH11; Luật số 44/2009/QH12; Luật số: 23/VBHN-VPQH).
Vì không thể “căn cứ” vào một đạo luật chưa có hiệu lực thi hành để ban hành một văn bản quy phạm pháp luật nên muốn chính xác, phải chăng nên viết một cách tổng quát:
“Căn cứ vào Luật Giáo dục số 43/2019/QH14”.
Thứ ba, phạm vi bao quát của Nghị định
Khoản 1, điều 1, Dự thảo Nghị định ghi: “Nghị định này quy định chi tiết Điều 56 Luật Giáo dục đại học về chính sách đối với giảng viên”.
Điều 2 ghi “Chính sách đối với giảng viên”.
Giảng viên đại học bao gồm bốn chức danh là Trợ giảng, Giảng viên, Giảng viên chính và Giảng viên cao cấp.
Dự thảo hầu như chỉ đề cập đến giảng viên có chức danh Phó giáo sư, Giáo sư – những người sẽ được kéo dài thời gian làm việc, vậy nên viết “Chính sách đối với giảng viên” nhưng lại không bao quát hết toàn bộ giảng viên là không hợp lý.
Điều 2 nên viết là “Chính sách đối với giảng viên có thể kéo dài thời gian làm việc”.
Thứ tư, liên quan đến chủ trương “Tự chủ đại học”
Dự thảo quy định: “Cơ sở giáo dục đại học tư thục quy định cụ thể chế độ, chính sách đối với giảng viên, bảo đảm không thấp hơn chế độ, chính sách dành cho giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học công lập có cùng trình độ đào tạo và thâm niên công tác”.
Hiện nay, tại các cơ sở giáo dục đại học công lập được phép “tự chủ”, thu nhập của giảng viên không giống nhau, chẳng hạn có nơi ngoài “lương chính” còn có “lương trường”,...
Vậy các cơ sở giáo dục đại học tư thục dựa vào “chế độ, chính sách” của cơ sở giáo dục đại học công lập nào để áp dụng cho giảng viên của mình?
Mặt khác “cùng trình độ”, cùng “thâm niên công tác” nhưng khác nhau về cống hiến, khác nhau về đóng góp cho cơ quan đang công tác lẽ nào lại hưởng thụ giống nhau?
Phải chăng “thâm niên công tác” cũng là một kiểu “Sống lâu lên lão làng” được níu kéo lại?
Thứ năm, không phù hợp Quy chế hoạt động của đại học ngoài công lập:
Dự thảo viết: “Giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định trong điều kiện lao động bình thường để giảng dạy, nghiên cứu khoa học nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện xin kéo dài thời gian làm việc và được cơ sở giáo dục đại học chấp nhận”...
Không thể nói chung chung “đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học” bởi quy định này chỉ có giá trị với “cơ sở giáo dục đại học công lập”, các cơ sở giáo dục đại học tư thục không quan tâm đến tuổi nghỉ hưu của giảng viên miễn là đáp ứng yêu cầu của họ.
Ngoài ra, việc quy định người được kéo dài thời gian làm việc khi đủ tuổi nghỉ hưu chỉ “để giảng dạy, nghiên cứu khoa học” không những không phù hợp với các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập mà còn trái với “Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục” ban hành kèm theo Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17/04/2009 của Thủ tướng Chính phủ, được sửa chữa bổ sung bởi Quyết định số 63/2011/QĐ-TTg, theo đó:
“Hiệu trưởng trường Đại học tư thục phải là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục và Điều lệ trường đại học; không là công chức, viên chức trong biên chế nhà nước; không quá 70 tuổi tính đến ngày ban hành quyết định công nhận Hiệu trưởng của cấp có thẩm quyền”.
Người quá tuổi nghỉ hưu theo luật định vẫn có thể làm công tác quản lý (Hiệu trưởng) tại các cơ sở giáo dục đại học tư thục miễn là chưa quá 70 tuổi.
Thứ sáu, hiệu lực thi hành
Điều 6: Tổ chức thực hiện:
“Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này”.
Cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp thực thi Nghị định của Chính phủ là các cơ sở giáo dục đại học (các trường, học viện, viện nghiên cứu,…) thế thì vì sao không thấy đề cập đến việc phải “chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này”?
Phải chăng nên viết:
“Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này”?