Dự thảo nghị định điện mặt trời 'nắm dao đằng chuôi'
Dự thảo nghị định điện mặt trời do Bộ Công Thương thực hiện đã được nhiều lần góp ý, bổ sung, sửa chữa nhưng xem ra đến nay vẫn còn 'nắm dao đằng chuôi' do thông tin, nhận thức và góc nhìn của những người tham gia soạn thảo.
Chỉ được bán 10% tổng công suất
Điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo phát thải thấp đã và đang phát triển mạnh trong những năm qua với giá thành đang giảm một cách nhanh chóng và sức sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời cũng tăng nhanh. Công suất lắp đặt của điện năng lượng mặt trời theo đó cũng tăng nhanh trong tương lai. Đây là cơ hội lớn cho việc giảm phát thải khí nhà kính, giảm giá phát điện.
Cùng với đà tăng trưởng của công nghiệp sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời, thế giới cũng đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ lưu trữ bằng pin với những phát kiến mới nâng cao năng lực và giảm giá thành của pin lưu trữ. Đây là cơ sở cho sự phát triển ổn định của năng lượng tái tạo trong tương lai.
Với cam kết Net Zero vào năm 2050, Việt Nam cũng cần phải không ngừng phát triển năng lượng tái tạo theo hướng bền vững. Các nhà đầu tư về năng lượng mặt trời có cảm giác vô ích, không hiệu quả, không có lãi có thể kéo lùi những thành quả phát triển năng lượng tái tạo trước đây và gây ra khó khăn trong những định hướng phát triển trong tương lai.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại sự phát triển quá nhanh của điện mặt trời đã và đang gây ra nhiều hậu quả lớn cho lưới điện và điều độ hệ thống gây ra sự bất ổn cho lưới điện do phải điều phối nhiều nguồn phát có sự biến đổi nhanh theo sự biến động của thời tiết trong khi Việt Nam hầu như không có cơ sở lưu trữ điện đáng kể nào.
Bởi vậy, Bộ Công Thương đặt ra chương trình nghiên cứu thí điểm để điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có thể bán lên lưới với công suất phát không quá 10% công suất lắp đặt.
Đây có thể nói là mức an toàn khá cao để có thể vận hành lưới điện với 3 phương án đấu nối và thanh toán cùng với 3 cách tính toán giá điện. Các phương án thanh toán và tính toán giá điện đều được định hướng theo phương thức tính và thanh toán đơn giản nhất có thể và về cơ bản nó cũng thể hiện yếu tố “nắm dao đằng chuôi” của phía mua điện.
Chưa đảm bảo được tính công bằng và tính hài hòa lợi ích win-win
Thứ nhất là dự thảo đề xuất tính chung cho cả nước trong khi điện mặt trời có yếu tố vùng miền rất rõ rệt. Khi đã là nghiên cứu, thí điểm thì cũng cần đánh giá, xem xét các yếu tố vùng miền để cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà có thể hỗ trợ hệ thống tốt hơn cho các vùng miền khác nhau và giúp phát triển các hệ thống điện phân tán có tính tự chủ cao hơn cho các vùng miền khác nhau.
Thứ hai về xác nhận sản lượng điện dư phát lên lưới. Phương án đề xuất của Bộ Công Thương (PA2) là tiến bộ hơn so với 02 PA còn lại. Tuy nhiên, PA2 cũng mới quy ra thóc 10% sản lượng điện dư phát lên lưới, 90% sản lượng điện dư phát lên lưới còn lại được EVN bán với biểu giá quy định hiện hành tại thời điểm phát điện cho các khách hàng sử dụng điện khác. Cảm nhận vẫn chưa đảm bảo được tính công bằng và tính hài hòa lợi ích win-win!
Thứ ba nên xem xét xác nhận sản lượng điện dư phát lên lưới 100% (full) theo cách "quy ra thóc" bằng cách phân chia nhiều mức. Ví dụ như giá mua điện = 10% sản lượng điện dư x áp giá full + 20% sản lượng điện dư x (áp giá full x 50%) + 30% sản lượng điện dư x (áp giá full x 20%) + 40% sản lượng điện dư x (áp giá full x 5%). Phương pháp luận này để các nhà đầu tư cảm nhận họ đầu tư kiếm lợi nhuận, chứ không làm từ thiện 90% sản lượng dư thừa phát lên lưới mà không tính tiền.
Thứ tư, Bộ Công Thương đề xuất 10% là mức khá thấp và cũng là để đề phòng cho sự phát triển mạnh mẽ của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong việc đầu tư phát điện từ năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, do điện mặt trời có khoảng thời gian phát lớn và không phát rất rõ rệt theo giờ. Nghị định nên đặt ra cơ chế khuyến khích cho việc lưu trữ và phát lên lưới vào giờ cao điểm buổi tối để dần phát triển khả năng đầu tư và lưu trữ điện cho điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Việc đầu tư lưu trữ 10% công suất để dịch chuyển giờ phát là có tính khả thi cao đặc biệt trong thời đại phát triển khá nhanh về công nghệ pin lưu trữ.
Thứ năm, Nghị định cũng nên tạo ra được tầm nhìn cho sự phát triển tương lai của năng lượng tái tạo với những khả năng tăng phần trăm công suất phát lên lưới đi cùng với sự đầu tư về công nghệ lưu trữ cũng như công nghệ điều độ hệ thống.
Thứ sáu, việc yêu cầu phát triển điện mái nhà đấu nối lưới điện quốc gia tuân thủ theo phân bổ trong quy hoạch quốc gia chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại vì thực tế công suất phân bổ trong quy hoạch điện 8 cơ bản đã hết, dư địa phát triển không còn nhiều. Trước mắt, cần khuyến khích phát triển theo khả năng điều độ, tiếp nhận của lưới điện.
Kiến nghị tăng sản lượng được bán
Đề nghị cho phép thương mại hóa trong phát triển điện mặt trời mái nhà. Để việc đầu tư khả thi và hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp và nhà nước, kiến nghị tăng sản lượng bán lên lưới khoảng 30% và giá vận hành theo giá thị trường điện.
Chính phủ nên chỉ đạo Bộ Công Thương đánh giá mức độ ảnh hưởng khi cho phép lượng điện dư thừa của điện mái nhà phát lưới khi mà Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 hệ thống lưới điện của Việt Nam đặt mức N-1. Nhìn nhận từ góc độ ảnh hưởng công suất hệ thống lên lưới điện, các hệ thống điện mặt trời nhỏ lẻ và quy mô hộ gia đình phân tán (dưới 50kwp) gần như không có ảnh hưởng đến hoạt động ổn định của hệ thống lưới điện khu vực và liên vùng.
Chiều ngược lại, đối với những dự án điện mặt trời quy mô công nghiệp tập trung tại những khu, cụm công nghiệp thì sản lượng điện dư thừa phát lưới (giờ giữa trưa) ảnh hưởng lớn đến biều đồ phụ tải sẽ thúc đẩy sự gia tăng đường cong con vịt califorlia gây bất lợi cho hệ thống lưới điện của Việt Nam.
Bên cạnh đó, sau thời điểm 31/12/2020 cho đến nay, các hoạt động lắp đặt điện mặt trời mái nhà vẫn diễn ra mạnh mẽ. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 500-600 Mwp tấp PV Module, ước lượng trung bình sau gần 4 năm số lượng PV Module nhập khẩu đạt khoảng 2500 MWp. Theo quy hoạch điện 8, đến năm 2030 quy mô điện mặt trời tự sản, tự tiêu là 2600 Mwp.
Câu hỏi được đặt ra cho Nghị định là sau khi có chính sách khuyến kích điện mặt trời ban hành, thực tế quy mô các dự án điện mặt trời mái nhà đã lắp đặt (khi chưa có chính sách) và theo quy mô đăng ký tại quy hoạch điện 8 còn lại là bao nhiêu? Phải chăng là nghị định, chính sách chưa ban hành thì quy mô thực tế đã vượt quota (hạn ngạch) được cấp?