Dự thảo nghị định quy định chi tiết Luật Đấu thầu 2023 quá kỹ thuật, cần được làm rõ hơn
Ngày 1/11, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu 2023 về lựa chọn nhà thầu. Luật Đấu thầu 2023 có nhiều thay đổi quan trọng so với văn bản luật năm 2013, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024).
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho hay, Luật Đấu thầu 2023 được Quốc hội XV thông qua tại kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
Trong đó, luật dành riêng một chương quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế nhằm giải quyết vướng mắc về đấu thầu trong lĩnh vực y tế như chủ động quyết định mua sắm thuốc, thiết bị y tế ngoài danh mục bảo hiểm y tế chi trả; mô hình “máy đặt, máy mượn”; hình thức đấu thầu phù hợp với các trường hợp đặc biệt; cho phép mua sắm tập trung với thuốc hiếm có số lượng sử dụng ít; cho phép mua sắm theo nước xuất xứ để mua thiết bị có chất lượng tốt.
Đồng thời, Luật Đấu thầu 2023 có nhiều quy định cải cách, đơn giản hóa quy trình thủ tục đấu thầu, tăng tính chủ động của bên mời thầu và đẩy mạnh đấu thầu qua mạng.
Luật Đấu thầu 2023 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tạo dựng nền tảng pháp lý mới, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất nhằm xây dựng môi trường đấu thầu cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, hiệu quả cho cả cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tại diễn đàn, ý kiến của nhiều doanh nghiệp cho rằng cơ quan soạn thảo dự thảo nghị định về lựa chọn nhà thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thiết kế văn bản này khá công phu, chi tiết rất quan trọng, hướng dẫn nhiều nội dung lớn về lựa chọn nhà thầu, bổ sung nhiều quy định mới để hướng dẫn các nội dung Luật Đầu thầu 2023.
Cụ thể, luật quy định về đảm bảo cạnh tranh, chống “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu: các nhà thầu tham dự gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa, phi tư vấn, tư vấn, gói thầu chìa khóa trao tay phải độc lập; nhà thầu phụ, nhà thầu phụ đặc biệt phải độc lập; cách thức xác định.
Ưu đãi nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, đổi mới sáng tạo và kinh tế xanh; quy định chi tiết về mua sắm trong lĩnh vực y tế như lựa chọn nhà thầu theo số lượng dịch vụ kỹ thuật; chỉ định thầu rút gọn với mua thuốc.
Quy định về thanh toán chi phí mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế cho cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân; đấu thầu qua mạng và liên thông kết nối đến các cơ sở dữ liệu khác. Ngoài ra, xây dựng cơ sở dữ liệu uy tín nhà thầu; cơ sở dữ liệu đánh giá chất lượng hàng hóa; công khai thông tin thực hiện hợp đồng. Luật cũng quy định các hình thức đấu thầu khác như đấu giá ngược, mua sắm trực tuyến.
Tuy nhiên, ý kiến từ phía một số doanh nghiệp tham dự hội thảo cho rằng, dự thảo nghị định được thiết kế với 126 điều với 144 trang, tương đối đồ sộ và kỹ thuật, hơi khó đọc, nghiên cứu với một số doanh nghiệp. Nhiều quy định mới như đấu thầu y tế, đấu thầu qua mạng cần được làm rõ hơn.
Các quy định này cần được xây dựng hợp pháp, hợp lý, không chồng chéo với các quy định hiện hành tại các bộ luật khác thì doanh nghiệp mới dễ dàng tuân thủ và thực thi trong thực tế, từ đó góp phần quan trọng vào việc thực thi thành công Luật Đấu thầu 2023 như kỳ vọng.
Ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ, để các quy định khi được ban hành ra thực sự mang hơi thở cuộc sống, hợp lý và có khả năng thực thi với doanh nghiệp, mong ban soạn thảo sẽ lắng nghe, nghiên cứu và tiếp thu thực chất các góp ý từ doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia.