Dự thảo Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe: Mới làm được 'một nửa'
Dự thảo về các quy định thí điểm triển khai cấp quyền đấu giá biển số xe ô tô sẽ được lấy ý kiến đóng góp trong 2 tháng, tính từ 22/4. Mặc dù, trong dự thảo lần này đã bổ sung rất nhiều điểm mới so với các dự thảo trước đó, thế nhưng quyền định đoạt tài sản này của chủ xe vẫn là 'khe cửa hẹp' và bị coi là được hiện thực hóa 'một nửa'.
Điểm khác biệt lớn trong dự thảo lần này là khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng kí cho xe khác thuộc sở hữu, hay còn gọi là "biển số đi theo người". Khi thay đổi địa chỉ nơi thường trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, họ không phải nộp lại biển số trúng đấu giá.
Ông LƯU BÌNH NHƯỠNG – Phó Trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Trước đây chúng ta hủy xe theo biển và sau này cái biển đó sẽ mất đi vĩnh viễn, nhưng bây giờ biển sẽ tồn tại cùng với con người. Điều này hoàn toàn hợp lý, nó gắn liền với người đấu giá."
Tuy vậy, nhiều người vẫn còn băn khoăn và cho rằng việc này mới "hiện thực hóa được một nửa" khi dự thảo cho phép chủ xe nếu bán phương tiện vẫn có thể giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng kí cho xe khác. Việc có được phép mua, bán, chuyển nhượng, cho tặng hay không, dự thảo chưa "nhắc tới".
Đại tá ĐỖ THANH BÌNH - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an: “Thay đổi tư duy từ biển số đi theo xe thành gắn với người. Còn đối với phương án coi biển số là một sản phẩm, hàng hóa thì chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kĩ…”.
Một nút thắt lớn nhất kéo dài từ thập kỉ trước cho đến nay vẫn chưa có lời giải đó là Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa coi biển số xe là tài sản, mà đây được xác định "là tài liệu của cơ quan nhà nước". Hơn nữa, luật còn "cấm mua, bán biển số xe".
Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG – Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội: “Để hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản thì chúng ta cần tính đến câu chuyện là có xác định biển số xe là tài sản hay không? Nếu là tài sản thì chủ sở hữu tài sản đó phải có các cái quyền, quyền quản lý, quyền sử dụng, quyền định đoạt. Và nếu được xác định là tài sản thì chúng ta mới có thể áp dụng cái Luật đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá biển số xe này …”
Ông LƯU BÌNH NHƯỠNG – Phó Trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Trong trường hợp này cũng nên cho người ta sử dụng quyền đó là “ quyền chuyển nhượng”. Có thể trong một thời gian người ta không sử dụng tới nó nữa thì người ta chuyển nhượng, nhưng mà chuyển nhượng phải có cơ chế chuyển nhượng. Ví dụ: Anh chuyển nhượng thì phải nộp thuế cho nhà nước như thế nào? Anh phải nộp vào ngân sách bao nhiêu? Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận cho giao dịch của anh như thế nào?".
Bên cạnh đó vẫn còn ý kiến băn khoăn về việc Bộ Công an đề xuất phương thức xác định giá khởi điểm để đưa ra đấu giá mang tính “cào bằng” như hiện nay liệu đã hợp lý.
Luật Sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG – Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội: “Để giảm tiêu cực trong đấu giá, thì cũng cần phải xây dựng tiêu chí để đánh giá cái giá khởi điểm, xác định giá khởi điểm nó không được bằng giá thị trường thì nó cũng phải tương đương, tránh trường hợp có thể xảy ra tiêu cực …”
Ông LƯU BÌNH NHƯỠNG – Phó Trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Tổ chức cơ chế đấu giá như thế nào để tránh tình trạng quân đỏ quân xanh. Cơ chế để kiểm soát, xử lý các sai phạm xung quanh quá trình tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về cái việc đấu giá biển số xe. Nếu chúng ta xem xét như thế thì chúng ta tổ chức tốt”.
Người dân hi vọng rằng, một chính sách được đồng đảo cử tri đồng thuận như thế này có thể được thực hiện ngay chứ không phải gần 30 năm và sau rất nhiều lần thí điểm vẫn đang chỉ dừng lại ở mức "dự thảo".
Ông PHAN ĐỨC HIẾU - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Đây là lo lắng chính đáng. Ban soạn thảo và cơ quan tham mưu nên mạnh dạn xây dựng một phương thức, cơ chế cấp biển số. Nếu như vướng ở đâu thì có thể trình Chính phủ, trình Quốc hội để chúng ta có thể tháo gỡ về mặt pháp lý, để thực sự có một cơ chế thuận lợi, công bằng, minh bạch và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thực tiễn …”
Theo dự thảo, Bộ Công an sẽ giao công an cấp tỉnh ký hợp đồng thuê tổ chức đấu giá tài sản có trang web để tổ chức đấu giá trực tuyến. Cơ quan tổ chức đấu giá là Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đều được tham gia cuộc đấu giá biển số của địa phương nơi đóng trụ sở hoặc nơi đăng ký thường trú.
Dự kiến, số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.
Thực hiện : Xuân Dần