Dự thảo quản lý xe công nghệ lần 9: Còn nhiều bất cập?
Theo các chuyên gia, bản Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô được Bộ (GTVT) trình Thủ tướng lần thứ 9 mới đây, cho thấy vẫn còn nhiều bất cập.
Chuyên gia Kinh tế độc lập, PGS. TS. Ngô Trí Long cho hay, ông đã theo dõi quá trình xây dựng dự thảo Nghị định này từ rất lâu, cũng đã trực tiếp tham dự nhiều hội thảo góp ý và gửi ý kiến chính thức đến cơ quan soạn thảo. Đến nay đã qua gần 10 vòng trình dự thảo lên Chính phủ, chưa kể vô số những dự thảo không chính thức khác mà các quy định quản lý vẫn rối.
Theo ông Long, dù các đơn vị, chuyên gia ra sức góp ý, đề xuất các nội dung quản lý cho phù hợp với tình hình mới ra sao, thì Ban soạn thảo vẫn kiên trì gọi các ứng dụng kết nối hiện nay là kinh doanh vận tải với lý do là “đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng”. Chỉ đến khi có ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Ban soạn thảo có tiếp thu bằng cách đưa nguyên đề xuất của Bộ TT&TT vào, nhưng lại không hề thay đổi các nội dung cũ.
Theo ông Long, việc xây dựng các quy định trong dự thảo cho thấy cách tiếp cận chính sách giống như “quay lưng” với thời đại. Cụ thể, trong hầu hết các tờ trình và giải thích của ban soạn thảo, thường có lời khẳng định “khuyến khích”, “yêu cầu” tất cả các đơn vị vận tải phải ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động kinh doanh nhưng vẫn phải có thêm quy định hộp đèn gắn cố định trên nóc xe.
“Hợp đồng điện tử thì lại được quy định một cách cảm tính là phải hiển thị toàn bộ trên một giao diện, với hàng tá các nội dung tối thiểu không hiểu phục vụ mục đích gì. Việc quàng thêm các quy định cho công nghệ như vậy là hoàn toàn đi ngược với chủ trương của Chính phủ, ngược với tuyên bố của chính Ban soạn thảo là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành vận tải”, ông Long đánh giá.
Liên quan đến quản lý dịch vụ ứng dụng kết nối trong lĩnh vực vận tải, chuyên gia Chính sách công Nguyễn Quang Đồng cho rằng, ông đồng tình với quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông rằng đây là mô hình kinh doanh mới, trong đó, các công ty cung cấp một loại nền tảng công nghệ cho nhiều doanh nghiệp vận tải cùng tham gia, nhưng không tự sở hữu và vận hành một dịch vụ vận tải hoàn chỉnh.
Theo ông Đồng, chuyện giải bài toán về các quy định đối với dịch vụ kết nối vận tải cũng đồng thời là giải bài toán chung cho các lĩnh vực khác của các xu hướng kinh tế số như hiện nay và sẽ ngày càng phổ biến hơn trong tương lai gần. Với cách tiếp cận và phối hợp hợp lý giữa các Bộ, ngành, không cần phải “ép” Grab, FastGo, Go-Viet, hay Be vào “ngành vận tải”, Nhà nước vẫn có thể “quản” để các công ty này hoạt động mà không gây tổn hại tới lợi ích công nào.
Bên cạnh khẳng định Nhà nước cần đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, ông Đồng cho rằng, trong bối cảnh có sự xuất hiện của nhân tố mới, vấn đề ở đây là Nhà nước phải tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn giữa “taxi truyền thống” và xe sử dụng ứng dụng gọi xe (xe công nghệ). Cụ thể, cơ quan quản lý cần “cởi trói” cho taxi truyền thống bằng cách bãi bỏ những quy định khắt khe không còn phù hợp. Đồng thời, yêu cầu các nhà cung cấp ứng dụng kết nối phải phối hợp với Nhà nước để việc đảm bảo các nghĩa vụ thuế của đối tác vận tải, bảo vệ người lao động, đặc biệt là bảo vệ người tiêu dùng.
Điều đáng mừng là các dự thảo Nghị định mới gần đây đã bãi bỏ được nhiều quy định ràng buộc nặng nề, ví dụ như: bắt buộc trang bị bộ đàm, sơn màu đặc trưng, số lượng tối thiểu để lập một hãng xe taxi, và đặc biệt là quy hoạch phương tiện…
Cũng theo ông Đồng, việc bắt gắn mào xe là một yêu cầu vô lý gây lãng phí, vì khách “vẫy” xe bằng điện thoại thông minh chứ không gọi trên đường. Hãy nhớ rằng, ‘mào’ có đèn là để ‘vẫy bằng tay’’ và đèn là để nhận biết xe có khách hay không có khách: xe tắt đèn là có khách ở trong; bật đèn là xe trống, để khách dùng tay vẫy. Nếu để thuận lợi cho cơ quan quản lý – công an, thanh tra giao thông chẳng hạn, thì xe nào đi sai đều bị phạt như nhau, không phải vì xe đeo mào hay không.
“Tuy nhiên, việc cắt giảm điều kiện vẫn chưa được thực hiện triệt để và sát với thực tế, cụ thể là chưa cân nhắc những yếu tố mới trên thị trường như sự tham gia của khoa học công nghệ. Nhà nước cần biết cách tận dụng công nghệ tốt hơn trong quản lý và tránh những quy định thủ công, như bắt xe công nghệ lắp hộp đèn, bắt xe hợp đồng mang theo hợp đồng giấy. Công ty công nghệ có trách nhiệm cung cấp một số dữ liệu nhất định để phục vụ cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các chức năng nhiệm vụ như nói trên”, ông Đồng nói.