Dự thảo thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ô tô: Chưa theo kịp thực tiễn
Bộ GTVT đã xây dựng xong Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP, quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô của Chính phủ (gọi tắt là Dự thảo Nghị định). Tuy nhiên, ngay từ thời điểm hiện tại khi đang trong giai đoạn lấy ý kiến góp ý, dự thảo nghị định này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Một trong những phần được dư luận quan tâm nhất trong Dự thảo Nghị định là phần bổ sung các quy định quản lý hoạt động thí điểm của loại hình taxi công nghệ (tiêu biểu là Uber và Grab) cũng như việc “cởi trói” một số quy định đối với loại hình vận tải hành khách bằng ô tô, vốn lâu nay được đánh giá là đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.
Còn nhiều bất cập
Theo Dự thảo Nghị định, các đơn vị cung ứng phần mềm để kinh doanh vận tải như ứng dụng của Uber, Grab bắt buộc phải thực hiện đúng theo các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô theo quy định. Điều này được áp dụng với các nhà cung cấp phần mềm để kinh doanh vận tải, bất kể là nhà cung cấp đó tham gia thực hiện một công đoạn hoặc toàn bộ các công đoạn chính của hoạt động kinh doanh vận tải. Kể cả trong trường hợp chỉ hợp tác với đơn vị vận tải hoặc chuyển giao phần mềm cho đơn vị vận tải đó thì nhà cung cấp phần mềm cũng buộc phải chấp hành các quy định pháp luật về thương mại điện tử và các quy định có tính chất pháp lý liên quan khác. Ngoài ra, những taxi công nghệ như Uber, Grab sẽ phải lắp phù hiệu “Xe taxi”, gắn hộp đèn có dòng chữ “Taxi điện tử” cố định trên nóc xe.
Đây sẽ là dấu hiệu để hành khách và các cơ quan chức năng nhận diện, phân biệt đâu là taxi công nghệ, đâu là taxi truyền thống. Điều khoản trên trong Dự thảo Nghị định được coi là điểm đáng chờ đợi nhất hiện nay. Bởi từ khi Uber, Grab ra đời và phát triển ở nước ta đã phát sinh nhiều tranh cãi về hoạt động của loại hình taxi công nghệ này. Đặc biệt là hành lang pháp lý để quản lý cũng như tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống.
Bên cạnh việc tạo ra hành lang pháp lý để quản lý taxi công nghệ, Dự thảo Nghị định vẫn còn nhiều điểm bất cập, chưa đáp ứng được kỳ vọng về việc sẽ “cởi trói” tháo gỡ khó khăn cho DN taxi truyền thống. Phân tích về những điểm bất hợp lý này, TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế T.Ư nhận định, nội dung Dự thảo Nghị định vẫn còn có nhiều rào cản về giấy tờ, thủ tục hành chính phức tạp không cần thiết. Đơn cử như quy định kinh doanh taxi vẫn phải có bộ đàm.
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, quy định này sẽ dẫn đến nhiều chi phí tốn kém không cần thiết để thực hiện như phải có một tổng đài, một bộ đàm, rồi phải xin sóng, thiết bị phải kẹp chì, phải đem đi kiểm định... “Đó là tư duy của mấy chục năm về trước” - TS Nguyễn Đình Cung nhận định và cho biết thêm, trong Dự thảo còn có phần quy định về điều kiện chung kinh doanh vận tải bằng ô tô với quá nhiều giấy phép, yêu cầu không cần thiết. “Như quy định xe vận tải hành khách cự ly trên 300km thì phải không quá 15 năm tính từ ngày sản xuất. Cơ sở khoa học nào để đưa ra quy định như vậy” – TS Nguyễn Đình Cung nói.
Cần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, GS.TS Từ Sỹ Sùa – Giảng viên cao cấp Đại học GTVT cho rằng, điều quan trọng nhất của Dự thảo Nghị định là phải theo kịp được thực tiễn sinh động đang diễn ra bên ngoài đời sống kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô ở Việt Nam. Đáng lẽ, trước khi cho thí điểm Uber, Grab, cơ quan chức năng phải có khung pháp lý để quản lý loại hình taxi công nghệ này trước. Tuy nhiên, trên thực tế phải sau khi thực hiện thí điểm 2 năm, nhận thấy những bất cập mới quay lại xây dựng khung pháp lý đã là muộn.
GS.TS Từ Sỹ Sùa cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất của dự thảo không phải là việc cởi trói cho loại hình taxi này hay siết chặt loại hình taxi kia mà phải quản lý được taxi công nghệ để tạo ra được môi trường kinh doanh lành mạnh.
“Quan trọng nhất phải đảm bảo được lợi ích của 3 bên. Đầu tiên là quyền lợi của khách hàng phải đảm bảo một cách tuyệt đối. Bởi, nếu có rủi ro gì xảy ra thì phải có người đứng ra chịu trách nhiệm. Thứ hai là lợi ích của đơn vị cung cấp dịch vụ taxi và thứ 3 là lợi ích Nhà nước. Ngoài ra cũng phải quan tâm tới lợi ích của người lao động, đó là đội ngũ lái xe. Bởi, nếu không quan tâm đến lợi ích của người lao động thì hậu quả sẽ rất khôn lường” - ông Sùa nói.
Đánh giá về những điểm tích cực trong Dự thảo Nghị định, GS.TS Từ Sỹ Sùa nhận định, quan trọng nhất là đưa được taxi công nghệ vào nền nếp. Bởi hiện nay, chưa có khung pháp lý để quản lý Uber, Grab. Đặc biệt là chưa có quy định về logo và về phát hành giá như thế nào. Giá đi xe của Uber, Grab tăng giảm liên tục, điều này dễ dẫn tới sự không công bằng trong kinh doanh taxi. Phải quản được việc phát hành giá của taxi công nghệ mới tạo ra được môi trường kinh doanh lành mạnh. “Tôi khẳng định Uber, Grab sẽ không làm giảm được mật độ lưu thông trên đường. Để làm được điều này chỉ có thể là các phương tiện vận tải công cộng như xe buýt, tàu điện” - GS.TS Từ Sỹ Sùa khẳng định.
Tại khoản 2A, Điều 12 của Dự thảo Nghị định quy định phương tiện phải thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật. Quy định này là không ổn vì trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 vốn đã không đặt ra điều kiện về sở hữu phương tiện đối với người kinh doanh vận tải.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Báo cáo Thủ tướng về tình trạng “xe dù, bến cóc” tại Sân bay quốc tế Nội Bài
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ vừa yêu cầu Vụ ATGT (Bộ GTVT) chủ trì phối hợp với Vụ Vận tải tổng hợp ý kiến của các địa phương về tình trạng “xe dù, bến cóc” tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Vụ ATGT xây dựng báo cáo tập trung vào việc đánh giá được tình hình thực hiện Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; nêu lên một số tồn tại liên quan đến tình trạng xe dù; đưa ra các nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan và từ đó đưa ra các kiến nghị về giải pháp chấn chỉnh tình trạng “xe dù, bến cóc”, trong thời gian tới. Riêng đối với Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định về vấn đề nhượng quyền khai thác, taxi, xe khách.
Grab không chịu trách nhiệm về khoản nợ thuế của Uber
Theo thông tin từ phía Grab, mặc dù Grab Việt Nam chính thức hoàn tất thương vụ thâu tóm Uber tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam nhưng khoản thuế “treo” của Uber tại Cục Thuế TP Hồ Chí Minh hiện nay vẫn thuộc về trách nhiệm của Uber.
Đại diện Grab Việt Nam cho biết, việc mua lại mảng hoạt động của Uber tại Đông Nam Á không làm thay đổi loại hình DN cũng như tư cách pháp nhân của Grab tại Việt Nam là Công ty TNHH GrabTaxi. Do vậy, Công ty TNHH GrabTaxi vẫn tiếp tục thực hiện nghĩa vụ khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật hiện hành. Còn về khoán thuế mà Uber đang nợ, theo đại diện Grab, Uber đã cam kết sẽ chịu trách nhiệm giải quyết toàn bộ vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế còn tồn đọng. Được biết, hiện Uber vẫn còn nợ khoản thuế gần 54 tỷ đồng. (Nha Trang)