Dự thảo ứng dụng CNTT trong đào tạo trực tuyến giáo dục đại học: Chủ động và tự chịu trách nhiệm
Dự thảo chính sách mới của Bộ GDĐT về ứng dụng CNTT trong đào tạo trực tuyến giáo dục ĐH nhằm mục đích phát huy tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của cơ sở.
Theo đó, việc đào tạo trực tuyến phải đảm bảo các nguyên tắc như: Phát huy tính chủ động và tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo đối với đào tạo trực tuyến; bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến theo yêu cầu của chương trình đào tạo đã được ban hành.
Bảo đảm công bằng trong tiếp cận, tham gia các hoạt động đào tạo, lấy lợi ích của người học làm trung tâm; bảo đảm an toàn thông tin, thông tin cá nhân và sở hữu trí tuệ theo các quy định của pháp luật cũng như bảo đảm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tối thiểu theo quy định của Thông tư.
Nội dung đào tạo sẽ do Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định môn học, học phần trong các chương trình đào tạo của đơn vị thực hiện đào tạo trực tuyến trên cơ sở các quy định của Quy chế đào tạo các trình độ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Nội dung đào tạo trực tuyến có khối lượng, nội dung và cấu trúc kiến thức tương đương với các học phần thuộc chương trình đào tạo.
Các cơ sở đào tạo sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp sử dụng giữa các hệ thống phần mềm đào tạo trực tuyến như: phần mềm tổ chức đào tạo trực tiếp, hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS), hệ thống quản lý nội dung học tập trực tuyến (LCMS), hệ thống đào tạo trực tuyến mở (MOOC), hệ thống đào tạo trực tuyến mở của Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOOC - MOET).
Hệ thống phần mềm đào tạo trực tuyến phải được triển khai trong kiến trúc tổng thể về chuyển đổi số của cơ sở đào tạo; phải có giải pháp đăng nhập tài khoản một lần (Single Sign-On); phải kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống; giao diện phải thân thiện, dễ sử dụng.
Ngoài ra, các cơ sở đào tạo cũng chịu trách nhiệm và thực hiện các giải pháp bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến. Các cơ sở, đơn vị đào tạo có quy trình kiểm định chất lượng khóa học để đảm bảo nội dung khóa học đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng của chương trình đào tạo đã ban hành.
Nội dung khóa học phải được thiết kế và cập nhật thường xuyên để bảo đảm bảo phù hợp với nhu cầu của người học. Đồng thời có giải pháp hỗ trợ và trả lời yêu cầu người học, người dạy; có cơ chế tiếp nhận và giải đáp ý kiến từ người học, người dạy và các tổ chức, cá nhân có liên quan để đo lường sự hài lòng người sử dụng.
Thời gian góp ý cho dự thảo đến hết ngày 19/09/2023. Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp để chính thức ban hành Thông tư mới vào tháng 10/2023.