Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng: Tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt
Cuối tuần qua, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề 'Những nội dung mới và điểm nhấn trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng'.
Dự kiến lấy ý kiến nhân dân từ 20/10/2020
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Đoàn Minh Huấn - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản - nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng hoạch định đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cả tầm nhìn dài hạn và mục tiêu trung hạn, ngắn hạn, nhất là trong bối cảnh thế giới đầy tính bất trắc, khó lường, diễn diến phức tạp, không loại trừ xuất hiện những khả năng đột biến, đòi hỏi phải được nhận thức và giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra bằng tư duy và phương pháp mới.
Quan điểm kế thừa và đổi mới thể hiện nhất quán, xuyên suốt trong toàn bộ các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII, trong đó có nhiều nội dung thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, những điểm nhấn cần được phân tích thấu đáo, làm rõ hơn.
PGS.TS Đoàn Minh Huấn cũng cho hay, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đang lấy ý kiến tại đại hội đảng bộ cấp tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì hiện nay, văn kiện “chưa phải là văn bản cuối cùng, cần tiếp tục thảo luận, đào sâu suy nghĩ...”.
Đối với những vấn đề lớn, mới, khó, còn có ý kiến khác nhau càng cần phải bàn thảo cho thấu đáo. Hội thảo nhằm thu hút trí tuệ, ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý đóng góp ý kiến bổ sung, làm sáng rõ thêm những căn cứ khoa học - thực tiễn để kiến nghị hoàn thiện dự thảo.
Kết quả hội thảo sẽ được chuyển tới Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Tổ biên tập Văn kiện, với Trung ương để có thêm hướng lựa chọn các phương án tối ưu khi trình bày những những vấn đề mới, khó, phức tạp trong dự thảo, trước khi công bố để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, dự kiến từ ngày 20/10/2020.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các nhóm vấn đề là các nội dung lớn, phức tạp, mới, điểm nhấn của dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Các ý kiến khẳng định, dự thảo các văn kiện có một số điểm nhấn trong xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển với các dấu mốc quan trọng.
Cụ thể, đến năm 2025 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Văn kiện có nhiều điểm mới về tư tưởng
Các đại biểu cũng thảo luận những vấn đề trọng tâm về phát triển kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Vai trò đột phá của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn mới; xây dựng và phát huy nguồn lực con người trong thời kỳ mới; kiến tạo hệ thống phúc lợi xã hội tiến bộ, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao; vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường; vấn đề quốc phòng, an ninh và đối ngoại; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; bảo đảm công bằng xã hội trong điều kiện hiện nay…
Ngoài ra, các tham luận, thảo luận tại hội thảo cũng đóng góp nhiều ý kiến vào nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, trong đó nhấn mạnh xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng; đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý - đột phá khẩu của đột phá chiến lược để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững; thể chế hóa, cụ thể hóa nguyên tắc hiến định Đảng chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; về nhận diện bản chất, cảnh giác và đấu tranh với những cách thức, thủ đoạn chống phá mới của chiến lược “diễn biến hòa bình” và nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhất là việc thúc đẩy song hành, “nội công ngoại kích” cả hai chiến lược và nguy cơ trên, đặt ra nhiều vấn đề đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Chia sẻ bên lề hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú (Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương) cho rằng, cái mới trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII lần này không phải mới về câu chữ mà mới từ cách tiếp cận, từ tầm bao quát.
Cụ thể, lần này văn kiện không chỉ đánh giá 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội XII mà đánh giá 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH 2011 mà còn đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991.
“Mục tiêu định hướng tới không chỉ 5 năm, 10 năm mà còn đưa ra tầm định hướng đến năm 2045 gắn với hai cột mốc quan trọng 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 thành lập Nước. Như thế, tầm bao quát rộng hơn nhiều. Đây là một bản văn kiện có nhiều điểm mới về tư tưởng và có cả một hệ quan điểm chỉ đạo mà trước đây không có”, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương lý giải.
Một điểm mới nữa, theo GS.TS Phùng Hữu Phú, là trong việc xác định mục tiêu, dự thảo văn kiện vừa kế thừa cách tiếp cận truyền thống, vừa tiếp cận với các chuẩn mực chung của thế giới. Bên cạnh đó, các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đều có nhiều điểm mới trong việc xác định đột phá chiến lược.