Dự thảo văn kiện trình đại hội XIV của Đảng: Bước đột phá tư duy về kinh tế thị trường
BPO - Văn phòng Trung ương Đảng vừa phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật thực hiện việc phát hành trên toàn quốc cuốn “Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng”, nhằm tập hợp trí tuệ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong cả nước tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của Đảng, của đất nước. Dự thảo các văn kiện gồm: Dự thảo báo cáo chính trị; dự thảo báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030; dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng.
Như vậy, ngoài 3 báo cáo như thường lệ, Đại hội XIV của Đảng sẽ có thêm báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam. Vì sau gần 40 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm gần đây, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, được quốc tế thừa nhận và đánh giá cao. Hơn nữa, việc tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua đã được Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xác định là một công việc hệ trọng đối với công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Trong đó, vấn đề đặc biệt quan trọng là tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Tại Đại hội IX (năm 2001), Đảng ta chính thức đưa ra khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc. Mục đích của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và phát triển lực lượng sản xuất hiện đại gắn liền với xây dựng quan hệ sản xuất mới, tiên tiến. Đồng thời, Đảng đã khẳng định, đây là mô hình tổng quát, là đường lối chiến lược nhất quán của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Việc lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là sự gán ghép chủ quan giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội, mà là sự nắm bắt và vận dụng xu thế vận động khách quan của kinh tế thị trường trong thời đại ngày nay.
Hơn nữa, trên cơ sở nhận thức tính quy luật phát triển của thời đại và sự khái quát, đúc rút từ kinh nghiệm phát triển kinh tế thị trường thế giới, đặc biệt là từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, để Đảng ta đưa ra chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm sử dụng kinh tế thị trường để thực hiện mục tiêu từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Và qua mỗi kỳ đại hội, khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa lại được Đảng ta làm sáng rõ hơn. Tại Đại hội XI, Đảng ta tiếp tục bổ sung và phát triển nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là “nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là một hình thái kinh tế thị trường vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội”.
Đến Đại hội XII, Đảng ta khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”. Đến Đại hội XIII, Đảng tiếp tục khẳng định, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó là nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Và trong tóm tắt dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XIV, Đảng tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cụ thể, “đẩy mạnh đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn; đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất hiện đại; giải phóng các nguồn lực phát triển, nhất là nguồn lực đất đai. Xây dựng và thực thi có hiệu quả các thể chế vượt trội để đón nhận, phát triển các phương thức sản xuất mới gắn với kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy mạnh cắt giảm tối đa điều kiện và thủ tục đầu tư, sản xuất kinh doanh”. Như vậy, dù mới là dự thảo nhưng lần đầu tiên Đảng ta đề cập đến “kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ”. Đây là bước đột phá tư duy, lý luận về kinh tế thị trường ở Việt Nam hoàn toàn mới của Đảng.
Điểm mới quan trọng hơn là từ chủ trương nêu trên, Đảng đề ra yêu cầu: “Xây dựng thể chế để nâng cao năng lực độc lập, tự chủ của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế, bảo vệ thị trường trong nước, giảm thiểu tác động tiêu cực từ bên ngoài”. Đây là điều khác biệt với những lần đại hội trước, vì trong dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng không bổ sung thêm nội dung khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, mà đã định hướng rõ những công việc cần làm, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm, những đột phá chiến lược của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam trong những năm tiếp theo và các nhiệm kỳ tới để quyết tâm tạo ra sự phát triển bứt phá của đất nước trong kỷ nguyên mới. Chính vì thế, nội dung dự thảo báo cáo chính trị có tính hành động cao, mạnh mẽ, quyết liệt nhằm tạo điều kiện triển khai thực hiện ngay sau khi nghị quyết đại hội được thông qua.
Đồng thời, những mục tiêu, nhiệm vụ quản lý, vận hành và phát triển kinh tế được đề ra trong dự thảo báo cáo chính trị đều mang tính phấn đấu cao, đòi hỏi tư duy đổi mới, cải cách mạnh mẽ và hành động tạo đột phá phát triển. Đây là điểm mới đặc biệt quan trọng và là bước tiến mới, đột phá tư duy về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Và điều này không những xuất phát từ tình hình thực tế của đất nước mà còn phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Chính vì vậy, chủ trương nêu trên của Đảng được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước đánh giá cao.