Du thuyền bị 'hắt hủi' vì dịch Covid-19 gây hỗn loạn ở biển Caribbe
Cộng hòa Dominica hôm 27-2 từ chối cho một du thuyền với khoảng 1.500 người cập cảng do lo ngại virus SARS-CoV-2.
Các quan chức Dominica yêu cầu hành khách không rời khỏi du thuyền Braemar của Công ty Bonheur ASA (Na Uy) sau khi phát hiện một số người trên khoang đang được theo dõi các vấn đề về cúm, ho và hô hấp.
Tuy nhiên, Công ty Bonheur ASA cho biết không có hành khách hoặc thành viên thủy thủ đoàn nào trên du thuyền Braemar xuất hiện triệu chứng nhiễm virus SARS-CoV-2.
"Công ty chúng tôi tin rằng có một số ít trường hợp mắc bệnh tương tự cúm trên du thuyền. Đó là một phản ứng thái quá" - Bonheur ASA phàn nàn.
Trong khi đó, một du thuyền khác là MSC Meraviglia hiện bị giữ tại cảng ở Cozumel – Mexico chờ kết quả xét nghiệm hành khách sau khi nó bị cấm cập cảng ở Jamaica và Grand Cayman.
Khoảng 6.000 người đang có mặt trên du thuyền này. Các chuyên gia y tế sẽ xét nghiệm để loại trừ khả năng họ nhiễm virus SARS-CoV-2. MSC Meraviglia hiện đóng ở cảng đảo Cozumel, ngoài khơi bang Quintana Roo, miền Đông Mexico với một thành viên thủy thủ đoàn được chẩn đoán mắc bệnh cúm thông thường.
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho rằng mặc dù điều quan trọng là phải duy trì các tiêu chuẩn y tế nhưng nước ông sẽ không khuất phục trước dịch bệnh Covid-19, đồng thời khẳng định sẽ không đóng cảng và sân bay. Mexico chưa có trường hợp nào nhiễm virus SARS-CoV-2 tính đến hôm 28-2.
Cách đây ít ngày, một số du thuyền cũng bị từ chối cập cảng hoặc cách ly ở châu Á và châu Âu, đáng chú ý là du thuyền Diamond Princess bị cách ly gần thủ đô Tokyo – Nhật Bản với hàng trăm người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo Bloomberg, điều này gây ra sự hỗn loạn ở vùng biển Caribbean trong bối cảnh các nhà khai thác vận tải biển đặt trụ sở tại Mỹ như Carnival Corp., Royal Caribbean Cruises Ltd. và Norwegian Cruise Line Holdings Ltd. mất khoảng 31 tỉ USD trị giá thị trường chỉ trong 6 tuần qua.
Tình báo Mỹ để mắt tới Covid-19
Theo Reuters, tình báo Mỹ đang theo dõi sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu cũng như khả năng ứng phó của các chính phủ. Washington cảnh báo về việc Ấn Độ sẽ đối phó với sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 như thế nào bởi quốc gia này có dân số dày đặc.
Ngoài ra, tình báo Mỹ còn chú ý tới cả Iran sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng có thể Tehran đã che đậy việc virus SARS-CoV-2 lây lan. Một nguồn tin chính phủ Mỹ tiết lộ phản ứng của Iran được xem là không hiệu quả.