Du thuyền Ý thành ổ dịch COVID-19, Nhật Bản lo lắng
Du thuyền Ý Costa Atlantica đang được sửa chữa ở Nhật Bản hiện có hơn 600 thành viên thủy thủ đoàn (không có hành khách) và trong số 127 người đã được xét nghiệm, 48 người (chiếm 38%) nhiễm SARS-Cov-2, Reuters đưa tin ngày 23/4.
Kết quả xét nghiệm mới nhất, ngày 23/4, cho thấy, có thêm 14 người trên du thuyền (đang ở thành phố Nagasaki) nhiễm coronavirus. Họ là đầu bếp hoặc người phục vụ ăn uống trên tàu.
Giới chức thành phố đang lo các bệnh viện sẽ bị quá tải nếu số người mắc virus tiếp tục tăng khi tất cả thành viên thủy thủ đoàn được xét nghiệm xong.
Trước đây, một ca mắc trên du thuyền được đưa tới bệnh viện ở Nagasaki và hiện trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy, một quan chức thành phố cho biết tại một cuộc họp báo trực tuyến.
Hiện nay, những người có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng vẫn ở trên du thuyền Costa Atlantica. Giới chức hy vọng hoàn thành xét nghiệm toàn bộ 624 thành viên trong tuần này.
Du thuyền của công ty Costa Cruises được đưa tới một xưởng đóng tàu tại Nagasaki ở miền tây Nhật Bản hồi cuối tháng 2 sau khi đại dịch COVID-19 khiến kế hoạch ban đầu là sửa chữa ở Trung Quốc không thể thực hiện được.
Các ca nhiễm trên Costa Atlantica dấy lên lo ngại về sự lây lan trong cộng đồng dân cư Nagasaki vì có thông tin rằng, một số thành viên thủy thủ đoàn đã rời khu vực dành riêng cho họ. Tuy nhiên, Costa Cruises khẳng định, những người này vẫn ở trong khu vực cầu tàu, không đi ra khỏi phạm vi cho phép. Giới chức thành phố đang tìm hiểu chi tiết về sự đi lại của những người này.
Hai tháng trước, du thuyền Diamond Princess (đăng ký ở Anh) tới thành phố Yokohama của Nhật Bản và trở thành ổ dịch COVID-19 với hơn 700 hành khách và thành viên thủy thủ đoàn nhiễm virus.
Đến nay, Nhật Bản có khoảng 12.000 bệnh nhân COVID-19 và khoảng 300 ca tử vong, không tính con số trên du thuyền Diamond Princess, Reuters đưa tin.
So với ổ dịch Diamond Princess, tình hình hiện nay ở Nagasaki nghiêm trọng hơn vì coronavirus có thể lây lan tại bệnh viện, Kenji Shibuya, viện trưởng Viện Y tế Công cộng tại Đại học King’s (Anh), nhận định.
Bệnh nhân qua đời tại nhà, 5 ca nhiễm trong 1 lớp học
Để các bệnh viện không bị quá tải, ưu tiên phục vụ bệnh nhân nặng, một số chính quyền địa phương ở Nhật Bản bắt đầu đưa những người có triệu chứng nhẹ hơn tới khách sạn hoặc nhà riêng của họ để theo dõi, cách ly.
Trong tuần này, một người đàn ông tuổi ngũ tuần ở tỉnh Saitama tử vong trong khi chờ đợi được nhập viện. Ngày 23/4, chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga, nói rằng, Bộ Y tế nước này đang tìm hiểu xem có bao nhiêu bệnh nhân COVID-19 đang được theo dõi tại nhà và bao nhiêu người đã chết bên ngoài bệnh viện.
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc sẽ kéo dài ít nhất là đến ngày 6/5. Ông yêu cầu các trường học và các ngành nghề, hoạt động kinh doanh không thiết yếu đóng cửa trong giai đoạn này.
Các ca mắc giống như nhiễm chùm vẫn xuất hiện ở Nhật Bản. Ngày 23/4, có 4 trẻ em và một giáo viên phổ thông trong cùng lớp học được xác nhận mắc COVID-19 sau khi trường học mở cửa trong một thời gian ngắn hồi đầu tháng 4, hãng tin Nhật Bản Kyodo đưa tin. Bộ Giáo dục Nhật Bản nói rằng, đến nay nước này chưa ghi nhận ca nhiễm chùm nào ở trường học.
Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến nửa đêm 23/4, Nhật Bản có 11.950 bệnh nhân COVID-19 với 299 ca tử vong.
Trong khi đó, toàn thế giới có xấp xỉ 2,66 triệu người mắc COVID-19 (nhiều nhất là ở Mỹ với 843.981 ca) và 185.494 trường hợp tử vong (nhiều nhất là ở Ý với 25.549 ca).