Dự toán chi thường xuyên phải trên cơ sở tinh giản biên chế

Những năm gần đây, việc xây dựng và giao dự toán ngân sách hàng năm đã gắn với yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập.

Tinh giản biên chế, nhằm xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả.

Tinh giản biên chế, nhằm xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả.

Đây được cho là một trong những biện pháp căn cơ để giảm chi thường xuyên, do đó, trong hướng dẫn thực hiện dự toán năm 2021, đây cũng không là ngoại lệ.

Đơn vị sự nghiệp công phải giảm thêm từ 5 - 10% dự toán năm 2020

Theo hướng dẫn mới đây của Bộ Tài chính, năm 2021, các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng dự toán chi thường xuyên cho từng lĩnh vực chi, triệt để tiết kiệm, đảm bảo đúng tính chất nguồn kinh phí. Dự toán chi hoạt động năm 2021 của cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể gắn với mục tiêu sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế; kiện toàn tổ chức, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm cấp phó, kiêm nhiệm chức danh, sáp nhập các xã chưa đạt chuẩn... Trong đó, ước tính tác động của sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế đến ngân sách nhà nước (NSNN), gồm: kinh phí dành ra đối với các cơ quan hành chính từ giảm chi NSNN do sắp xếp tổ chức bộ máy (giảm chi hoạt động bộ máy, chi cơ sở vật chất...); giảm chi NSNN do giảm biên chế (giảm chi quỹ lương, giảm chi thường xuyên); nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách tinh giản biên chế theo chế độ, chính sách hiện hành.

Đối với dự toán chi hoạt động năm 2021 của các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng trên cơ sở các mục tiêu về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP... Thực hiện giảm chi hỗ trợ từ NSNN gắn với mức giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách và giảm thêm tối thiểu 5% - 10% so với dự toán năm 2020 chi hỗ trợ từ NSNN đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu tăng theo lộ trình tính giá, phí dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản), tăng giá học phí theo quy định.

Hiện nay, bộ máy hành chính vẫn rất cồng kềnh khiến nguồn ngân sách chi thường xuyên dành cho bộ máy, con người rất lớn, hạn chế nguồn ngân sách dành cho chi đầu tư phát triển, chi cải cách tiền lương và an sinh xã hội… Do đó, Đảng, Nhà nước chủ trương đẩy mạnh tinh giản biên chế, nhằm xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương hiện đang quyết liệt tinh giản biên chế, bởi đây được cho là biện pháp căn cơ, hiệu quả để giảm chi thường xuyên- lĩnh vực vẫn đang chiếm phần rất lớn từ tổng chi ngân sách hiện nay.

Sắp xếp lại bộ máy, ngân sách giảm chi khoảng 28 nghìn tỷ đồng

Theo báo cáo sơ bộ, đến hết năm 2019, khối chính quyền ở địa phương (từ cấp huyện trở lên) đã giảm được trên 11% biên chế so với số được giao tại thời điểm trước 30/4/2015; khối cán bộ công chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố giảm gần 24%.

Tính toán của Bộ Tài chính vừa qua cho thấy, dự toán chi thường xuyên cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được xây dựng trên cơ sở yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm biên chế, đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp, qua đó, cơ cấu lại nguồn để ưu tiên bố trí cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội. 5 năm (2016 - 2020) dự kiến giảm chi khoảng 27 - 28 nghìn tỷ đồng.

Ví như tại TP. Hà Nội, nhờ đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đã giảm tỷ trọng chi thường xuyên trên tổng chi NSNN từ 58,8% (năm 2016) xuống còn 51,2% (năm 2020); tiết kiệm chi thường xuyên hơn 13.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 – 2020. Đây là nguồn lực quan trọng cho cải cách tiền lương, tăng cường nguồn lực chi đầu tư phát triển.

Theo ông Võ Thành Hưng – Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính, những năm gần đây, việc xây dựng và giao dự toán ngân sách hàng năm đã gắn với yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, Chính phủ. Dự toán NSNN năm 2021 cũng sẽ phải tiếp tục thực hiện yêu cầu này.

Để thực hiện đồng bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hàng năm ban hành các quyết định giao chỉ tiêu biên chế hành chính, số lượng tối đa viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ chi thường xuyên. Tùy từng cơ quan, đơn vị, nhưng nhìn chung số lượng chỉ tiêu biên chế được giao hàng năm đã bám sát yêu cầu tinh giản biên chế, giảm đối tượng hưởng lương trực tiếp từ ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp theo tinh thần các nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW. “Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan tài chính tính toán, giao dự toán chi cho phù hợp, từng bước cơ cấu lại ngân sách”, Vụ trưởng Vụ NSNN cho hay.

Cũng theo ông Võ Thành Hưng, khi trình cấp có thẩm quyền bố trí dự toán cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Tài chính sẽ căn cứ quyết định giao chỉ tiêu biên chế của các cơ quan có thẩm quyền. Căn cứ vào quyết định chỉ tiêu biên chế và dự toán ngân sách được giao, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương sẽ giao chỉ tiêu biên chế và dự toán cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và cũng phải áp dụng nguyên tắc nêu trên.

Trong thời gian tới, việc điều chỉnh tiền lương sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu ngân sách, tăng quỹ lương đồng nghĩa với việc tăng chi rất lớn, trong khi đó, chi thường xuyên vẫn tiếp tục phải giảm. Đây là bài toán khó đối với những người làm ngân sách. Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, chi thường xuyên đã giảm nhanh theo lộ trình. Với cách làm đúng, quyết liệt và không có ngoại lệ, hy vọng trong thời gian tới, chi thường xuyên sẽ tiếp tục giảm, dành thêm nguồn lực để chi cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội.

Tinh giản biên chế phần nào giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước

Tính toán của Bộ Tài chính vừa qua cho thấy, dự toán chi thường xuyên cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được xây dựng trên cơ sở yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm biên chế, đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp, qua đó, cơ cấu lại nguồn để ưu tiên bố trí cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội. 5 năm (2016 - 2020) dự kiến giảm chi khoảng 27 - 28 nghìn tỷ đồng.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-08-18/du-toan-chi-thuong-xuyen-phai-tren-co-so-tinh-gian-bien-che-91145.aspx