Dự trữ ngoại hối của Việt Nam lại lập kỷ lục 79 tỷ USD
Tính từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tăng dự trữ ngoại hối thêm 20 tỷ USD...
Nhờ có nguồn ngoại tệ dồi dào từ thặng dư thương mại, dòng vốn FDI và các giao dịch bán vốn, hợp tác kinh doanh lớn, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên mức kỷ lục.
Như VnEconomy đã đưa tại nhiều bản tin trước, trong năm 2019, có rất nhiều yếu tố cùng đan xen tác động lên tỷ giá USD/VND.
Tuy nhiên, ngoại từ tháng 5 và tháng 6 tỷ giá USD/VND bật tăng do căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì xu hướng chủ đạo của tỷ giá vẫn là dao động trong biên độ hẹp và đi ngang.
Đặc biệt, tại thị trường liên ngân hàng, giá giao dịch của các thành viên luôn thấp hơn giá mua vào ngay của Ngân hàng Nhà nước. Nhờ diễn biến trên, phía nhà điều hành đã mua được lượng lớn ngoại tệ.
Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương vào chiều 30/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, dự trữ ngoại hối Việt Nam đến thời điểm hiện tại khoảng 79 tỷ USD.
Theo đó, quy mô dự trữ ngoại hối tiếp tục lập kỷ lục mới sau con số 71 tỷ USD công bố thời gian gần đây.
"Năm 2019 đã mua vào 20 tỷ USD. Tính từ đầu nhiệm kỳ đã mua vào 48 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối", ông Hưng nêu rõ.
Trên thị trường liên ngân hàng, một diễn biến mới cũng thể hiện rõ, diễn ra song song với hoạt động mua vào lượng lớn ngoại tệ.
Cụ thể, mặc dù Ngân hàng Nhà nước liên tục chào thầu vốn hỗ trợ vào mùa cao điểm, nhưng các tổ chức tín dụng không muốn tiếp cận. Bởi lẽ, do nguồn cung dồi dào, lãi suất qua đêm VND liên ngân hàng tại ngày 27/12/2019 là 1,77%, giảm hơn nửa so với mức 4,2% của cùng thời điểm năm 2018. Trong khi, lãi suất trên kênh cầm cố (OMO) vẫn là 4%.