Dư vị của ký ức
Nếu như tuổi thơ của lứa 7X (những người sinh vào thập niên 70) lo chuyện no bụng, thì tuổi thơ của 8X bắt đầu làm quen với những thức quà vặt sơ khai nhất. Những món ăn vặt bất kể là hình thức, hay cách chế biến, mùi vị đều cực kỳ đơn điệu nhưng tuyệt đối thú vị, theo cả vào mộng mơ của những giấc trưa hè.
Quà vặt vượt ra ngoài chuyện cái ăn, nó từng là ước mơ, là thèm thuồng, trông ngóng của bọn trẻ. Chỉ là những chiếc bánh quai chèo, tai heo, con đuông, sâm banh, bánh men, bắp nổ, bánh ống gạo… làm thủ công, nhưng lại khiến bọn trẻ con mê đắm, xuýt xoa. Những chiếc bánh này từng được bày bán rất… sang trọng, phải ở những khu chợ huyện, thị xã mới có. Chúng được đựng trong những chiếc hũ thủy tinh đậy nắp kín, phần để chống kiến, phần đề phòng những “tên trộm” nhí trong nhà. Những chiếc hũ đầy ắp bánh được xếp ngay ngắn trên chiếc tủ đặt ngay mặt tiền của quán. Vì nằm ở vị trí “đắc địa” nên luôn thu hút lũ trẻ mỗi khi đi ngang qua.
Thời đó, trẻ con đi học không được cho tiền, chỉ lận theo mấy củ khoai, gói xôi nhà nấu. Phải đợi đến tết nhất được tiền mừng lì xì, hoặc có bà con ở thành phố về cho tiền mới mua được mấy món quà vặt màu mè như kẹo cao su Con vẹt, hay bịch xí muội hiệu Hoa mai với vị mằn mặn không lẫn vào đâu…
Trẻ con cũng có trật tự xã hội của riêng mình. Những đứa nhỏ con, mỗi khi có được mấy món này sẽ giữ chặt, ăn nhín vì cái tật sợ hết, cái gì ngon phải để ăn sau cùng. Nhưng đôi khi “người tính không bằng trời tính”, những thứ để dành chưa kịp ăn thường sẽ bị mấy đứa “đại ca” giành mất…
Những ngày hè nóng bức, ngoài tắm sông thì thứ thèm nhất là những ly đá bào xanh đỏ mát lạnh, hay những cây kem mút ngậy nước cốt dừa pha lẫn vị béo bùi của đậu xanh. 3 tháng hè không đi học, dĩ nhiên cũng chẳng có lớp học thêm nào nhồi nhét kiến thức để mà than. Bọn chúng tôi canh lúc người lớn ra đồng cũng sẽ trốn ngủ trưa, ra ngồi canh me tiếng leng keng là biết mấy chú bán cà rem, đá bào chuẩn bị xuất hiện. Người ta bán thức quà vặt trên ghe, cái chuông sẽ thay cho tiếng rao hàng. Đứa xin được tiền sẽ hí hửng mua ổ bánh mì kẹp kem ăn ngấu nghiến, đứa không tiền chỉ cần nhìn các chú thoăn thoắt cắt cà rem thành từng đoạn cũng đỡ ghiền…
Nhớ lại chuyện tuổi thơ, dù thiếu thốn hay đủ đầy, đều tuyệt đối yêu thích. Mỗi khi những người đồng trang lứa ngồi thao thao bất tuyệt về những món quà vặt của tuổi thơ, lứa hậu sinh không thể lý giải nổi về niềm tự hào và khao khát bé mọn đó. Nhưng với chúng tôi, sự tận hưởng đó không phải vật chất, mà là một tuổi thơ đầy ắp sự lộng lẫy ngay trong thiếu thốn.
Khi cuộc sống đủ đầy hơn, với nhiều món ngon vật lạ, có lẽ ngay bản thân mình đã quên bẵng cái mùi vị của những chiếc bánh, que cà rem ngày ấy ra sao, nhưng cảm giác sung sướng khi được ngậm chúng trong miệng thì vẫn còn nguyên vẹn, người ta gọi đó là dư vị của ký ức.
Quà vặt hiện nay đa dạng, thẩm mỹ và cả giá trị hơn xưa. Những món ăn vặt ngày xưa không còn chỗ đứng. Nó không còn là quà vặt yêu thích của trẻ con, nhưng là món nâng niu của người trưởng thành. Những năm gần đây, chính người trẻ đang làm sống dậy một đoạn ký ức của chúng tôi bằng những món quà vặt xưa cũ. Chúng được bán trên các trang thương mại điện tử theo đúng cách mua hàng của thời đại. Ở nhiều quán cà phê tại TPHCM, Đà Lạt…, người ta đang trưng bày những món quà bánh xưa như một nét đặc trưng mà khách hàng chính đến đây phần lớn là sinh viên, thanh niên. Giờ đây, những thứ đó không chỉ là miền nhớ trong ký ức của những người 8X nữa, mà trở thành một nét văn hóa được gìn giữ, làm mới bởi chính những người trẻ.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//du-vi-cua-ky-uc-850948.html