Dù yêu hay ghét nước Mỹ...
Sự vĩ đại của nước Mỹ không nằm ở chỗ thành công hay hiện đại hơn các nước khác mà ở năng lực sửa chữa sai lầm.
Không chỉ ở xứ sở cờ hoa, diễn biến kịch tích trong đêm bầu cử của Mỹ sẽ chiếm lĩnh các màn hình cỡ lớn trên khắp thế giới.
"Chính trị Mỹ là một sô diễn cuồng nhiệt, đừng đánh giá thấp sức hút của vẻ bề ngoài tưng bừng, náo nhiệt ấy" - ông Scott Lucas, giáo sư nghiên cứu về Mỹ tại Trường ĐH Birmingham (Anh), chia sẻ.
Quan tâm đến sự kiện nóng bỏng ở cường quốc hàng đầu thế giới cả về quân sự, kinh tế và văn hóa là chuyện dễ hiểu. Không chỉ có sức mạnh và tầm ảnh hưởng, theo trang NBC News (Mỹ), Mỹ vẫn là mẫu hình trong mơ đong đầy xúc cảm của rất nhiều người. Trong mắt họ, Mỹ chưa bao giờ ngừng bước trên hành trình hướng về các giá trị dân chủ, tự do và bình đẳng.
Trong lúc các nhà lãnh đạo chính trị và giới hoạch định chính sách quan sát cuộc bầu cử 4 năm một lần bằng nhãn quan lợi ích chiến lược, phần còn lại của thế giới tò mò muốn biết Nhà Trắng có đổi chủ không, từ đó mường tượng cục diện toàn cầu những năm sắp tới. Theo Tạp chí The Conversation (Úc), cuộc bầu cử tổng thống Mỹ biểu trưng cho bước chuyển của trật tự thế giới - hay nói rõ hơn là sự thống trị của phương Tây, mà nhất là Mỹ, đã phai nhạt. Nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ đang dần mất đi vị thế dẫn đầu thế giới, kéo theo đó là sự lụi tàn của "Thế kỷ Mỹ".
Danh tiếng và ảnh hưởng của Mỹ được đánh giá thường xuyên bởi các tổ chức thăm dò uy tín như Trung tâm Nghiên cứu Pew và Viện Gallup (đều của Mỹ). Trong nghiên cứu công bố hồi tháng 9 năm nay của Pew, tâm lý đồng cảm với Mỹ tại 13 nước được khảo sát "đang ở mức thấp nhất" kể từ khi Pew bắt đầu thăm dò chủ đề này gần 20 năm trước. Cuộc khảo sát cho thấy "mức độ tin tưởng vào tổng thống Mỹ" hiện ở mức từ 9% tại Bỉ đến 25% tại Nhật. Dù có biên độ sai số song hàng loạt cuộc khảo sát quốc tế chỉ ra sự xuống dốc này là do cách Tổng thống Donald Trump xử lý đại dịch Covid-19 ở cả tầm quốc gia và quốc tế.
Về mặt hình ảnh, nước Mỹ hiện ra trên truyền thông thế giới cũng đầy hỗn loạn: Nhân viên y tế quá tải, biểu tình bạo lực diện rộng sau các vụ người da màu thiệt mạng dưới tay cảnh sát, cháy rừng khủng khiếp ở bang California...
Hẳn nhiên, nước Mỹ không hoàn hảo! Nhưng dù thích hay ghét Mỹ thì thực tế là đất nước này vẫn được đối xử khác biệt so với hầu hết quốc gia còn lại.
Bất chấp vô số khiếm khuyết, thất bại và thế thống trị dường như đang phai mờ, nước Mỹ vẫn đặc biệt hấp dẫn nhiều người ở "khả năng tái tạo và hồi sinh từ gian khó". Đây là điều đã được đúc kết trong quyển sách "Nền dân chủ ở Mỹ" xuất bản năm 1835 của nhà ngoại giao người Pháp Alexis de Tocqueville. Ông viết: "Sự vĩ đại của nước Mỹ không nằm ở chỗ thành công hay hiện đại hơn các nước khác mà ở năng lực sửa chữa sai lầm".
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/du-yeu-hay-ghet-nuoc-my-20201103220959888.htm