Đưa AI vào camera giám sát CSGT: Đường phố Hà Nội có bao camera?
Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Hà Nội có 550 nút đèn tín hiệu và 605 mắt camera. Tuy nhiên, hệ thống mắt camera chủ yếu từ 2014, đã cũ và lạc hậu.
Tại phiên chất vấn chiều 7/12, các đại biểu HĐND TP Hà Nội tập trung nêu câu hỏi về giải pháp đảm bảo an toàn giao thông trong tình hình mới. Trong đó, đại biểu Phạm Hải Hoa (tổ đại biểu huyện Mỹ Đức) đề nghị làm rõ giải pháp xử lý xe hợp đồng trá hình, xe dù đón trả khách gây ùn tắc giao thông.
Trả lời đại biểu, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, để giải quyết bài toán giao thông có 4 yếu tố: Con người tham gia giao thông, phương tiện tham gia giao thông, hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông. Đảm bảo trật tự giao thông là một góc rất nhỏ của giao thông đô thị.
Thông tin thêm về hệ thống đèn tín hiệu và camera, ông Trung cho biết, có 550 nút đèn tín hiệu và 605 mắt camera. Camera được chia làm 3 loại: Loại chỉ đo lưu lượng, loại chỉ quan sát tổng thể, loại có thể nhận diện được để làm cơ sở xử lý vi phạm.
"Hệ thống mắt camera chủ yếu từ 2014, cũ lắm rồi, lạc hậu lắm rồi. Hầu như chưa có tý AI (trí tuệ thông minh) nào trong đó cả", Trung tướng Nguyễn Hải Trung nói và nêu ví dụ về Moscow (Nga), Bắc Kinh (Trung Quốc) với hệ thống camera rất phát triển.
Thủ đô Moscow có 400.000 mắt camera. Còn riêng quận Triều Dương (Bắc Kinh) có 43.000 mắt camera. Họ sử dụng tối ưu hóa trí tuệ thông minh để quản lý xã hội, tham gia phục vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, điều tiết giao thông, xử lý vi phạm giao thông. Không chỉ xử lý giao thông, camera còn quản lý, xử lý ngay cả lực lượng CSGT nhằm phòng chống tiêu cực.
Do đó, lãnh đạo Công an TP Hà Nội khẳng định: "Số lượng đèn, camera ở Hà Nội chưa thấm tháp vào đâu. Ngoài ra, camera lắp chưa có quy hoạch gì, cái thành phố đầu tư, cái quận làm, chưa áp dụng trí tuệ nhân tạo vào..."
Ông Trung đề xuất, cần tu bổ, nâng cấp camera sẵn có. Được biết, Hà Nội đang triển khai 4 dự án lắp camera. Đồng thời, Công an thành phố đang xây dựng đề án phát triển camera trên toàn Hà Nội.
Tìm hiểu của Báo Tri thức và Cuộc sống, tại Trung tâm điều khiển giao thông thuộc Công an thành phố Hà Nội đang quản lý hơn 600 camera tại gần 140 nút giao và vị trí, truyền thông tin về trung tâm để phục vụ công tác giám sát, phạt nguội.
Ngoài ra, Trung tâm cũng được kết nối đến tủ điều khiển tín hiệu đèn tại 487/550 nút trong tổng số khoảng 2.310 nút giao thông của thành phố.
Về quản lý, điều hành các phương tiện vận tải tại các doanh nghiệp quản lý đều có trung tâm quản lý, điều hành riêng như các công ty xe buýt, metro, taxi, cấp cứu, cứu hộ... sử dụng các thiết bị giám sát hành trình trên xe.
Các thông tin hành trình xe vận tải được truyền về Cục Đường bộ Việt Nam theo quy định.
Hà Nội cũng đã triển khai áp dụng một số ứng dụng tiện ích phục vụ công tác quản lý và phục vụ công dân như ứng dụng BusMap Hà Nội, Timbuyt, VinBus để tra cứu khai thác thông tin hoạt động xe buýt; lắp đặt camera giám sát đảm bảo an ninh trật tự trên xe buýt,...
Bên cạnh đó VOV giao thông cũng lắp đặt gần 100 camera trên các tuyến đường, nút giao thông trọng điểm để theo dõi tình hình giao thông phục vụ cảnh báo, thông tin giao thông cho người dân.
Từ năm 2000, Trung tâm điều khiển giao thông thông minh chính thức đưa vào hoạt động tại Hà Nội.
Song nền móng thực sự cho việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông thông minh tại Hà Nội được bắt đầu năm 2014, thông qua việc Sở Giao thông Vận tải thành phố triển khai dự án cải tạo, nâng cấp Trung tâm điều khiển tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi.
Từ năm 2015 đến nay, hàng năm số nút có đèn tín hiệu giao thông được tăng lên theo "Chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn giao thông" và các quận huyện đầu tư, các ban quản lý dự án đầu tư mới.
Mời độc giả xem thêm video Nắng nóng, chế xe kéo chở trẻ đi học: có vi phạm giao thông?