Đưa bác sĩ trẻ về vùng khó khăn là một trong những phương thức đào tạo thiết thực và hiệu quả
'Đưa bác sĩ trẻ về vùng khó khăn là một trong những phương thức đào tạo thiết thực và hiệu quả' là đánh giá của lãnh đạo Bộ Y tế tại Lễ khai giảng lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I, Dự án 'Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn' do Bộ Y tế, Trường đại học Y Hà Nội tổ chức chiều 26/10.
Tổng số có 35 bác sĩ đến 24 huyện của 10 tỉnh khó khăn, biên giới khu vực miền núi phía bắc, duyên hải miền trung tham gia khóa đào tạo thứ tám này. Các bác sĩ trẻ được đào tạo chín chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Nội, Ngoại, Nhi, Xét nghiệm, Sản, Truyền nhiễm.
Việc tổ chức đào tạo trình độ bác sĩ chuyên khoa cấp I với chín chuyên ngành nêu trên sẽ góp phần quan trọng, bù đắp nhân lực có trình độ chuyên môn phù hợp với tuyến y tế cơ sở vùng khó khăn nói riêng, cả nước nói chung.
Các bác sĩ trẻ sẽ học trong thời gian 24 tháng với chương trình đào tạo đặc biệt đã được Bộ Y tế ban hành. Sau khi hoàn thành thời gian đào tạo, về công tác ít nhất 5 năm tại các huyện nghèo đã cử đi đào tạo.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định, Dự án “Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn” là một trong những phương thức đào tạo thiết thực và hiệu quả nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.
Qua đó tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.
Ngành Y tế đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo nhân lực y tế dựa trên năng lực theo hướng hội nhập quốc tế, do vậy Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát nhu cầu đào tạo của các huyện nghèo, khó khăn, nhanh chóng khớp cung cầu, tiếp tục triển khai mở các lớp đào tạo chuyên khoa I thuộc phạm vi của Dự án; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm chất lượng đào tạo.
Đối với các cơ sở tham gia đào tạo, phân công cán bộ phụ trách, theo dõi, hỗ trợ, đánh giá quá trình học tập của mỗi bác sĩ trẻ bảo đảm chất lượng đầu ra đáp ứng yêu cầu về nhân lực của những vùng khó khăn.
Theo thống kê, đến nay Dự án “Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn” đã tổ chức đào tạo được hơn 500 bác sĩ trẻ, đội ngũ này đang đóng góp tích cực cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân ở các địa phương vùng khó khăn.