Đưa bác sĩ trẻ về vùng khó khăn là phương thức đào tạo thiết thực và hiệu quả
Đào tạo chuyên môn cao cho bác sĩ trẻ vùng khó khăn sẽ tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn.
Ngày 26/10, Bộ Y tế phối hợp tổ chức Lễ khai giảng lớp đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I thuộc Dự án Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn. Đây là lớp thứ 8 được đào tạo trong giai đoạn 2 của Dự án.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết dự báo về nhân lực y tế cho thấy nhu cầu về số lượng bác sĩ và điều dưỡng sẽ tiếp tục tăng. Trong giai đoạn 2021-2030, cả nước cần bổ sung thêm khoảng 72.000 bác sĩ và 304.000 điều dưỡng viên.
Nếu tính theo từng vùng kinh tế- xã hội, vùng Bắc Trung bộ Duyên hải miền Trung cần bổ sung khoảng 14.000 bác sĩ và 60.000 điều dưỡng; vùng Tây Nguyên cần khoảng 5.400 bác sĩ và 20.700 điều dưỡng.
35 học viên là bác sĩ trẻ tham dự lớp thứ 8 này đã được tuyển dụng làm việc tại 24 huyện khó khăn, biên giới thuộc 10 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung. Nơi họ đang công tác là các bệnh viện, trung tâm y tế huyện miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số, ít có điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao như Quan Hóa (Thanh Hóa), Sơn Động (Bắc Giang), Pắc Nặm (Bắc Kạn), Mường Tè (Lai Châu)...
Các bác sĩ trẻ sẽ theo học 9 chuyên ngành gồm: Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Nội khoa, Ngoại khoa, Nhi khoa, Xét nghiệm, Truyền nhiễm và Y học cổ truyền. Trong 24 tháng liên tục, học viên được đào tạo theo hình thức "1 thầy 1 trò". Sau khi hoàn thành thời gian đào tạo, họ sẽ công tác tối thiểu 5 năm tại các huyện nghèo đã cử đi đào tạo.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá đưa bác sĩ trẻ về vùng khó khăn là một trong những phương thức đào tạo thiết thực và hiệu quả nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
"Qua đó tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn; hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội", bà Liên Hương cho biết.
Sau hơn 6 năm đào tạo theo dự án, tổng số bác sĩ chuyên khoa I đã và sẽ về công tác tại huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo thuộc các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nam Bộ là hơn 700.
"Việc tổ chức đào tạo trình độ bác sĩ chuyên khoa cấp I với 9 chuyên ngành hôm nay sẽ góp phần bù đắp nhân lực có trình độ chuyên môn phù hợp với tuyến y tế cơ sở vùng khó khăn của khu vực miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung nói riêng, cả nước nói chung", Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua việc đào tạo, đưa bác sĩ trẻ, tốt nghiệp chuyên khoa I về công tác tại các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Bà con ở nhiều xã, huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, được tiếp cận y tế chất lượng cao ngay tại cơ sở.
Ví dụ, bác sĩ Sùng Seo Tỏa, người dân tộc Mông, công tác tại Trung tâm Y tế huyện Mường Khương (Lào Cai), đi học bác sĩ chuyên khoa I ngành sản về quê hương làm việc đã thực hiện được nhiều kỹ thuật. Anh còn vận động người dân bỏ những tập tục không tốt cho sức khỏe, như không dám cho máu ai vì họ quan niệm cho máu mà họ mất thì mình mất theo...
Những kết quả này được ghi nhận ở nhiều nơi, như Tây Nguyên tại huyện La Pa, Gia Lai có bác sĩ Ya Vang là bác sĩ Y học cổ truyền, đã châm cứu, chữa cho không ít bệnh nhân trước đây liệt không đi lại được.
Nhằm tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn thực hiện nội dung 1 thuộc Dự án 7 Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Theo đó, Bộ Y tế đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, hỗ trợ đào tạo 820 học viên chuyên khoa I, chuyên khoa II và sinh viên ngành Điều dưỡng, các ngành thuộc nhóm ngành Kỹ thuật Y học cho các huyện nghèo, khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.