Đưa Bình Thuận phát triển mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch
Sáng 4/7, Tỉnh ủy tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị (khóa IX) và Kết luận số 25 của Bộ Chính trị (khóa XI) tiếp tục thực hiện Nghị quyết 39 về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Các đồng chí: Dương Văn An - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị Bình Thuận; Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Văn Đăng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng chủ trì hội nghị. Về phía Trung ương, có ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng; ông Lê Sơn Hải – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đến tham dự. Dự hội nghị còn có lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và lãnh đạo các địa phương.
Đồng chí Dương Văn An - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy, thực hiện Nghị quyết số 39 năm 2004 và Kết luận số 25 năm 2012 của Bộ Chính trị, Bình Thuận đạt được nhiều thành tựu. Nổi bật, quy mô kinh tế tỉnh năm 2021 đạt 86.723 tỷ đồng (gấp 5,76 lần so với năm 2004), đứng thứ 6/14 tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh giai đoạn 2005-2019 là 7,65%, 2005 - 2020 là 7,46% và năm 2021 là 2,77%. Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt 4,55%. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đến năm 2021 là 46,98 triệu đồng người, gấp 8,8 lần so với năm 2004. Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người (GRDP/người) của tỉnh đến năm 2021 là 69,58 triệu đồng, gấp 5,27 lần so với năm 2004, đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đứng thứ 2/14 tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Năm 2005, Bình Thuận có tỷ lệ hộ nghèo cao (14,24%), đến năm 2021 giảm còn 1,03%. Quốc phòng an ninh tiếp tục được tăng cường; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tại hội nghị, các ngành, địa phương cũng nêu lên kết quả, khó khăn trong quá trình triển khai Nghị quyết 39 và định hướng phát triển trong thời gian tới. Ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng đánh giá cao kết quả mà Bình Thuận đạt được trong thực hiện Nghị quyết 39. Đồng thời, chỉ ra một số hạn chế và đề nghị nhiều vấn đề, để Bình Thuận tiếp tục phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Dương Văn An khẳng định, từ khi có Nghị quyết 39 và Kết luận số 25 của Bộ Chính trị, kinh tế liên tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế trong từng ngành, lĩnh vực, nhất là công nghiệp năng lượng, du lịch, nông nghiệp. Năng suất chất lượng, sức cạnh tranh được nâng lên, tạo chuyển biến bước đầu trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng. Đời sống người dân trong tỉnh từng bước được nâng lên.
Được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, Bình Thuận đã đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phát triển kinh tế - xã hội khá toàn diện, hoàn thiện, nhất là hệ thống thủy lợi, cảng biển, giao thông đô thị, giao thông nông thôn, các khu - cụm công nghiệp, trường học, bệnh viện, thiết chế văn hóa. Công tác xây dựng Đảng đạt kết quả toàn diện.
Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, dù đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng so với các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ thì tốc độ phát triển của Bình Thuận chỉ ở mức trung bình. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển mạnh 3 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, xây dựng chuỗi giá trị là công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, để sớm đưa Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch.
Phát huy tốt vai trò của Cảng Vĩnh Tân, Cảng hàng không Phan Thiết, tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đường sắt Bắc – Nam qua tỉnh, Quốc lộ 28, 28B, Quốc lộ 55. Ưu tiên nguồn lực để phát triển toàn diện huyện đảo Phú Quý. Tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng mở rộng đô thị, từng bước hình thành hệ thống đô thị thông minh, văn minh với chất lượng cuộc sống cao; quan tâm đầu tư các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, hệ thống thủy lợi.
Kết hợp đảm bảo quốc phòng – an ninh với phát triển văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường; thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội. Triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có năng lực trình độ, bản lĩnh, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền; xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội. Phát huy vai trò của nhân dân, nhân dân phải là trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng các thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội...