Đưa Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững: Phát huy tiềm năng, thế mạnh, tăng cường liên kết các vùng, địa phương
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã nhìn nhận, đánh giá tầm quan trọng của tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương; đồng thời đề ra các giải pháp tăng cường liên kết, phối hợp để các vùng, các địa phương cùng phát triển, góp phần đưa Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững.
Đưa Bình Thuận phát triển nhanh
Thực trạng…
Tỉnh Bình Thuận có diện tích tự nhiên 7.828 km2, bờ biển dài 192 km, vùng biển rộng 52.000 km2; có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 124 đơn vị hành chính cấp xã với 691 thôn, khu phố; dân số toàn tỉnh khoảng 1,24 triệu người, với 35 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 8% tổng dân số toàn tỉnh. Những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, tình hình các mặt của tỉnh tiếp tục có chuyển biến tích cực; nhiều chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; các chính sách an sinh xã hội được triển khai đạt kết quả đáng khích lệ… Thành quả chung của tỉnh có sự đóng góp to lớn của từng vùng, từng địa phương trong toàn tỉnh, trong đó việc phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, tăng cường liên kết, phối hợp để cùng phát triển của từng vùng, địa phương trong tỉnh góp phần không nhỏ. Tuy nhiên, mối quan hệ vùng, địa phương còn chưa được quan tâm một cách thỏa đáng. Các địa phương hầu như độc lập triển khai các hoạt động trong phạm vi địa phương mình, mỗi địa phương có một định hướng phát triển lĩnh vực của mình riêng do những đặc thù và nguồn lực riêng, khiến cho việc tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh gặp không ít khó khăn, làm gia tăng chi phí tìm hiểu và gia nhập thị trường, sức mạnh cạnh tranh của môi trường kinh doanh chậm được cải thiện. Việc liên kết phát triển giữa các vùng, các địa phương còn gặp khó khăn. Vấn đề hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong mỗi vùng và giữa các vùng, chính sách liên kết cũng như hệ thống giải pháp và các hình thức tổ chức quản lý trên phương diện vùng, địa phương chưa được quan tâm nghiên cứu nhiều… đã làm hạn chế phần nào sự phát triển của các địa phương nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Giải pháp…
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã nhìn nhận, đánh giá tầm quan trọng của tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương; đồng thời đề ra các giải pháp tăng cường liên kết, phối hợp để các vùng, các địa phương cùng phát triển, góp phần đưa Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, tỉnh xác định:
Đối với vùng ven biển và đồng bằng, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng các khu đô thị hiện có; đầu tư các tuyến giao thông đường bộ ven biển kết nối với các vùng; khai thác tốt hệ thống cảng biển, nhất là phát triển dịch vụ logistics. Phát triển các khu, cụm công nghiệp, các dự án điện mặt trời, điện gió, điện khí hóa lỏng. Sử dụng quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả; tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển các cây trồng, con nuôi lợi thế, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; phát triển mạnh công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản. Phát triển toàn diện kinh tế biển cả về khai thác, chế biến, nuôi trồng, dịch vụ hậu cần nghề cá, tăng cơ cấu giá trị ngành nuôi trồng, gắn với phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch biển nhằm khai thác tối đa lợi thế kinh tế biển.
Đối với vùng nông thôn, tỉnh sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là thủy lợi, giao thông, xây dựng các thị trấn. Phát triển mạnh kinh tế nông thôn gắn với xây dựng, hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống. Xây dựng các cụm công nghiệp ở những nơi phù hợp nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống nhân dân và giảm nghèo bền vững. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; chất lượng khám, chữa bệnh và y tế dự phòng; tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với bảo đảm an ninh nông thôn.
Đối với miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh sẽ quan tâm toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn khoa học kỹ thuật giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với phát triển ngành nghề phù hợp để tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Phát huy hiệu quả mô hình kết nghĩa giữa Mặt trận, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị vùng đô thị, đồng bằng với miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Riêng huyện đảo Phú Quý, tỉnh sẽ tập trung phát triển toàn diện huyện đảo Phú Quý, vừa bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng – an ninh trên biển, vừa là căn cứ chi viện hậu cần, kỹ thuật cho khu vực quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1; đồng thời xây dựng Phú Quý thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá và trung tâm tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển khu vực Nam Trung bộ. Nâng chất lượng và đảm bảo giao thông giữa đảo với đất liền thông suốt. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu, quy hoạch hệ thống xử lý nước thải; đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt; có giải pháp khả thi bảo đảm cung cấp đủ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho quân và dân trên đảo. Quan tâm bảo tồn sinh thái biển xung quanh đảo, tăng cường trồng cây xanh và giữ ổn định dân số, góp phần phát triển vững chắc...
Mục tiêu, giải pháp để phát huy mạnh mẽ hiệu quả tiềm năng, thế mạnh; tăng cường liên kết, phối hợp để cùng phát triển của từng vùng, địa phương đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định rất rõ; vấn đề còn lại là các cấp, các ngành, các địa phương phải thật sự đồng lòng và quyết tâm để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững.
Bảo Tín