Đưa ca dao, tục ngữ vào hòa giải ở cơ sở
Hơn 26 năm gắn bó với công tác hòa giải ở cơ sở, anh Nguyễn Văn Của (ngụ tại ấp Long Hưng, xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho) là địa chỉ được người dân trong ấp tin cậy mỗi khi có chuyện bất hòa.
Anh Của (bìa phải) góp phần hàn gắn tình làng nghĩa xóm.
VÌ TÌNH LÀNG NGHĨA XÓM
Ý thức hòa giải ở cơ sở góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm ổn định trật tự, an toàn xã hội, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, đầu năm 1993, anh Của tự nguyện tham gia công tác hòa giải ở cơ sở và năm 1999 người dân tín nhiệm làm Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Long Hưng cho đến nay.
Trong ngần ấy năm tham gia công tác hòa giải cơ sở, anh gặp không ít đơn, cuộc điện thoại gọi đến từ chập tối, từ chuyện nội bộ gia đình đến việc ranh đất giữa hàng xóm với nhau.
Anh Của chia sẻ: “Là Tổ trưởng Tổ hòa giải, khi nhận được đơn, yêu cầu hòa giải, tôi cùng các thành viên trong tổ nghiên cứu kỹ vụ việc, cơ sở pháp lý liên quan để phân công hòa giải viên thụ lý, tiến hành gặp gỡ, xác minh, xác định rõ nguyên nhân mâu thuẫn, tranh chấp để có hướng tổ chức hòa giải thành công. Trong 5 năm gần đây, tôi trực tiếp tham gia hòa giải 38 vụ, hòa giải thành 34 vụ; tỷ lệ hòa giải thành của tổ được nâng lên hằng năm. Nếu năm 2015 tỷ lệ hòa giải thành 75% thì năm 2019 đạt 100% (4 vụ tranh chấp đất đai và 1 vụ hôn nhân gia đình)”.
Từ thực tiễn hoạt động công tác hòa giải ở cơ sở, anh đã rút ra một số kinh nghiệm và chia sẻ với những người làm công tác hòa giải cơ sở như: Tổ hòa giải phải nắm bắt các vấn đề cơ bản và cần thiết của vụ việc, phải có sự chuẩn bị chu đáo nội dung trước cuộc hòa giải trên cơ sở các quy định của pháp luật và các chính sách liên quan; đồng thời, chú ý giải quyết các vướng mắc, tâm tư, tình cảm của các bên đương sự với thái độ khách quan, không thiên vị, nhằm hướng các bên đương sự đến bàn bạc, thương lượng với nhau các vấn đề cần tháo gỡ.
Ngoài công tác chuẩn bị nội dung các bước hòa giải, công tác chọn địa điểm để tổ chức hòa giải đối với một số vụ việc cũng có ý nghĩa quan trọng đối với kết quả hòa giải, như: Tổ chức hòa giải tại nơi xảy ra tranh chấp; nơi ở của đương sự để phối hợp với các chi đoàn, chi hội và mời những người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia hòa giải. Như vậy vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các bên đương sự, tạo tâm lý thoải mái để họ ít mặc cảm hơn so với tổ chức tại địa điểm quy định như nhà văn hóa ấp…
ĐƯA TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC VÀO HÒA GIẢI
Không những thế, trong quá trình hòa giải anh Của đã vận dụng và khai thác có hiệu quả truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam trong từng vụ việc cụ thể, như: Đối với mâu thuẫn trong hàng xóm về vay, mượn nợ và một bên không có khả năng chi trả, khi hòa giải Hòa giải viên vận dụng truyền thống của người Việt Nam xưa nay là “Lá lành đùm lá rách” hay “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” để hòa giải; về mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm thì có câu “Tối lửa tắt đèn có nhau”; đối với mâu thuẫn giữa cha, mẹ, con thì thường vận dụng câu “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” để phân tích, hòa giải; còn đối với vợ chồng thì vận dụng các câu như “Cờ bạc là bác thằng bần/Cửa nhà tan nát, vợ con chia lìa” hay “Chồng giận thì vợ bớt lời/Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”.
Việc vận dụng truyền thống, phong tục tập quán vào công tác hòa giải rất hiệu quả. Ngoài ra, khi thực hiện công tác hòa giải, Hòa giải viên cần vận dụng đưa vào hòa giải các quy định, thỏa thuận trong cộng đồng dân cư như quy ước ấp, khu phố; các cuộc vận động của chính quyền như “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” để nâng cao tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở.
Đơn cử như cuối tháng 7-2019, ông Nguyễn Văn Tâm gửi đơn đến Tổ Hòa giải ấp để nhờ hòa giải vụ tranh chấp lối đi chung. Sau khi hòa giải thành, ông Tâm vui mừng: “Tổ hòa giải ấp giúp gia đình tôi hòa giải với gia đình hàng xóm về lối đi chung. Nhờ vậy, 2 gia đình đã góp tiền, góp sức làm đường dal đi sạch sẽ như ngày hôm nay. Nếu mâu thuẫn kéo dài thì có lẽ hôm nay gia đình tôi không có đường để đi”.
Mới đây, anh Nguyễn Văn Của được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích trong thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong 5 năm (2014 - 2018).
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/201912/dua-ca-dao-tuc-ngu-vao-hoa-giai-o-co-so-884719/