Đưa ca Huế vào trường học
Khu vực miền Trung có rất nhiều di sản văn hóa. Trong đó, ca Huế là một trong những di sản đặc sắc của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Cùng với sự thay đổi của thời gian, nhiều giá trị di sản bị mai một. Đã một thời gian dài, người ta lo sợ ca Huế cũng mai một theo nhiều ngôi nhà xám rêu cùng rất nhiều hoài ức đẹp đất cố đô. Nhiều cuộc hội thảo nhằm đưa ra các giải pháp cứu ca Huế.
Theo các tài liệu văn hóa xứ Huế, các chuyên gia, ca Huế hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 17, trở thành thú chơi tao nhã của các hoàng thân quốc thích, danh gia vọng tộc trong suốt thời gian dài khi Huế là thủ phủ xứ Đàng Trong, sau đó là kinh đô của cả nước dưới triều Nguyễn, đạt đến đỉnh cao từ thời Minh Mạng (1820-1840) đến thời Tự Đức (1848-1883). Các chuyên gia văn hóa còn đánh giá, cùng với ca trù miền Bắc, đờn ca tài tử Nam bộ, ca Huế là một trong ba thể loại nhạc thính phòng phát triển bậc nhất trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Từ năm 2000 trở lại đây, các phương tiện truyền thông phát triển mạnh, các dòng nhạc giải trí lên ngôi, ca Huế cũng bị “lép vế” và ngày càng ít đất sống trong đời sống đương đại ở xứ Huế. Ngay cả giới trẻ ở Huế cũng ít nghe loại âm nhạc này. Có hay chăng nhờ một số tour du lịch, trong đó là tour dạo thuyền trên sông Hương còn tổ chức ca Huế phục vụ du khách. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 15 nghìn suất diễn. Nhưng ngay ở đó, ca Huế cũng chỉ là một hai tiết mục được lồng ghép với các thể loại khác, nên rất dễ gây hiểu nhầm bởi người dẫn chương trình không giới thiệu rõ ràng.
Trước thực tế đó, các nhà văn hóa liên tiếp vào cuộc trước nguy cơ sống còn của một loại hình di sản phi vật thể độc đáo. Cách đây cả chục năm đã có ý kiến nên đưa ca Huế vào trường học để bảo tồn, nuôi sống bằng cách để giới trẻ thấm, ngấm và yêu. Lại có nhiều ý kiến ủng hộ việc xây dựng hồ sơ ca Huế đệ trình UNESCO đề nghị công nhận di sản phi vật thể của nhân loại. Nhà nghiên cứu văn hóa Huế, ông Nguyễn Hữu Thông, nêu ý kiến, nên tái hiện dạng phim trường một buổi ca Huế thực sự, trong những bối cảnh khác nhau: một buổi chúc thọ, tiệc mừng hay sự hội ngộ ngẫu hứng của một nhóm nghệ sĩ tâm giao.
Trong nỗ lực đó, tuần qua, Sở Văn hóa và Thể thao vừa phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên-Huế ký kết một dự án giáo dục mục đích nhằm đưa ca Huế vào trường học. Hai cơ quan đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng, như tổ chức hoạt động tham quan, học tập cho học sinh tại các bảo tàng trên địa bàn; tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trải nghiệm sáng tác trong lĩnh vực hội họa và điêu khắc, đào tạo giáo viên trung học cơ sở để có thêm kiến thức dạy cho học sinh.
Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: chương trình đưa ca Huế vào trường học không chỉ đơn thuần là dạy cho học sinh tập hát ca Huế mà còn giúp các em nhận ra những giá trị nhân văn ẩn chứa trong nội dung từng bài bản và làn điệu cụ thể. Từ đó, giúp các em biết trân trọng, yêu quý di sản ca Huế. Đồng thời, việc đưa di sản ca Huế vào trường học sẽ giúp các em có niềm đam mê với ca Huế nói riêng và âm nhạc truyền thống dân tộc nói chung, có khả năng thực hành biểu diễn, cảm thụ những làn điệu. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản truyền thống.
Buổi ký kết là một dấu hiệu rất đỗi vui mừng và hy vọng. Bởi đây là một khởi đầu cho việc làm quan trọng, cần thiết để gìn giữ di sản. Trên thực tế, các nghệ nhân am tường về ca Huế dần đến tuổi cao sức yếu không đủ sức để truyền dạy, nhiều người giỏi nghề đã mất đi… Nếu không có những biện pháp cụ thể, thiết thực như Huế đang hành động để giúp bảo tồn và lan tỏa giá trị của di sản, thì nguy cơ mai một là không thể tránh khỏi.
Việc đưa ca Huế vào trường học là một thành công, một niềm vui đối với những người yêu nghệ thuật truyền thống, cả người yêu Huế và những vẻ đẹp của Huế.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/dua-ca-hue-vao-truong-hoc-91307.html