Đưa cá nhân có ảnh hưởng chính trị vào Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi

Theo Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam, việc đưa cá nhân có ảnh hưởng chính trị, các sản phẩm, dịch vụ mới như trung gian thanh toán, cho vay ngang hàng, kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo vào diện báo cáo… sẽ góp phần quan trọng cho công tác phòng chống tham nhũng hiện nay.

NHNN đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia đối với tài liệu thẩm định đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi của Ngân hàng Nhà nước theo trình tự, thủ tục rút gọn. Dự kiến, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức cuộc họp thẩm định dự án Luật này vào ngày 19/7.

Theo NHNN, cơ quan chủ trì soạn thảo, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012 tại kỳ họp thứ 3. Đây là văn bản pháp lý cao nhất, toàn diện quy định về phòng chống rửa tiền (PCRT), phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Qua 8 năm triển khai thi hành Luật PCRT đã có nhiều kết quả, tuy nhiên nổi lên một số bất cập, hạn chế trong các quy định, ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động PCRT.

Đó là, đối tượng áp dụng Luật PCRT, các hoạt động của tổ chức tài chính, tổ chức và cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan hiện chưa bao quát đầy đủ do thời điểm ban hành luật; một số loại hình kinh doanh sản phẩm, dịch vụ chưa xuất hiện (như cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cho vay ngang hàng, kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo…), trong khi các hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro về rửa tiền và nhiều vấn đề pháp lý mới phát sinh khác theo yêu cầu của công tác quản lý nhà nước và phòng chống tham nhũng hiện nay…

Do đó, yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi Luật PCRT sẽ góp phần khắc phục những thiếu hụt về mặt pháp lý trong cơ chế xử lý PCRT ở Việt Nam. Từ đó, nâng cao hiệu quả và hiệu lực công tác PCRT và công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, bảo đảm phù hợp với các yêu cầu và chuẩn mực quốc tế, tránh việc bị đưa vào danh sách theo dõi của Nhóm rà soát hợp tác quốc tế về lĩnh vực này.

Để đạt mục tiêu trên, Luật PCRT sửa đổi lần này thiết kế các quy định theo hướng mở rộng các loại hình đối tượng báo cáo trong công tác PCRT.

Trong đó, quy định về cá nhân có ảnh hưởng chính trị đang được Luật PCRT điều chỉnh chỉ quy định với người nước ngoài. Tuy nhiên, theo khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính toàn cầu về rửa tiền, tài trợ khủng bố (FATF), các quốc gia không được phân biệt cá nhân có ảnh hưởng chính trị là người nước ngoài hay trong nước và phải thực hiện các biện pháp PCRT cho các cá nhân có ảnh hưởng chính trị trong nước và ngoài nước như nhau.

ảnh minh họa

Quy định về các dấu hiệu cảnh báo về giao dịch đáng ngờ mới chỉ đưa ra các dấu hiệu cảnh báo chung, lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và các lĩnh vực khác, đặc biệt là kinh doanh bất động sản chưa có hướng dẫn cụ thể.

Quy định về khai báo, cung cấp thông tin về việc vận chuyển tiền mặt, kim loại quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng qua biên giới còn chưa đưa ra định nghĩa rõ ràng về kim loại quý, đá quý; cách thức tính toán, xác định ngưỡng phải báo cáo; cách thức báo cáo; cách xử lý thông tin, dữ liệu được báo cáo.

Cơ sở chính trị, pháp lý cho việc ban hành các quy định mới về PCRT được các chuyên gia đồng tình bởi các quy định mới tuân theo tinh thần của Chỉ thị 05-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Để nâng cao hiệu quả công tác PCRT, việc hoàn thiện pháp luật sát với thực tiễn đất nước và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên là một trong các giải pháp được đặt ra cấp thiết hiện nay. Việc hoàn thiện quy định của pháp luật về PCRT là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về rửa tiền.

Trâm Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dua-ca-nhan-co-anh-huong-chinh-tri-vao-luat-phong-chong-rua-tien-sua-doi-post145170.html