Đưa các hoạt động nâng cao quyền năng đến gần với phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số
Bất chấp rào cản về nhận thức, địa hình và nguồn lực, Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' vẫn được triển khai hiệu quả tại huyện Con Cuông (Nghệ An). Hội LHPN huyện đã tích cực đưa truyền thông và các hoạt động nâng cao quyền năng đến gần hơn với phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là nhóm yếu thế.

Bà Lữ Thị Khuyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Con Cuông (Nghệ An), đóng góp ý kiến về việc triển khai thực hiện Dự án 8 trên địa bàn.
Bà Lữ Thị Khuyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Con Cuông, đã chia sẻ với PV Báo Phụ nữ Việt Nam xoay quanh nội dung này:
Chủ động triển khai hiệu quả từ cơ sở
- Trong quá trình triển khai Dự án 8 tại huyện Con Cuông, đâu là những thay đổi rõ nét nhất mà bà ghi nhận được đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số?
Thực hiện Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/10/2021, huyện Con Cuông đã quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện Chương trình tại 10 xã được hưởng lợi. Chúng tôi đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc cấp huyện, cấp xã, ban giám sát cộng đồng để đảm bảo Dự án được thực hiện kịp thời, đúng quy trình và quy định.
Hội LHPN huyện đã chủ động tham mưu cấp ủy, UBND huyện phối hợp các đơn vị ban hành văn bản chỉ đạo, tổ chức hội nghị quán triệt, tập huấn, hướng dẫn thực hiện Chương trình. Các hoạt động cơ bản đều triển khai đúng tiến độ, góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, giảm thiểu bạo lực gia đình, tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em học tập, phát triển.

Hoạt động truyền thông "Xóa bỏ định kiến về khuôn mẫu giới" trên địa bàn huyện Con Cuông.
Chúng tôi tập trung vào tuyên truyền nâng cao nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tổ chức tập huấn kỹ năng cho cán bộ và cộng đồng. Đã có 40 cuộc truyền thông, 4 lớp tập huấn về thúc đẩy bình đẳng giới, 10 cuộc đối thoại chính sách, thành lập 5 CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi", 42 tổ truyền thông cộng đồng và 5 địa chỉ tin cậy.
Sau giai đoạn I, nhận thức của cán bộ thôn, bản và người dân được nâng lên. Qua tập huấn, truyền thông, đối thoại chính sách… đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thúc đẩy phụ nữ DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững, gắn với nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Nhóm đối tượng được quan tâm hỗ trợ là phụ nữ, người dân và trẻ em DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn, phụ nữ nghèo, yếu thế, phụ nữ bị bạo lực và cán bộ Hội, người có uy tín làm công tác truyền thông tại cơ sở.
Qua triển khai giai đoạn 1 (2022 – 2024), phụ nữ và trẻ em đã chủ động tham gia các lớp tập huấn, sinh hoạt CLB, hoạt động truyền thông, từ đó có thêm kiến thức, góp phần thay đổi định kiến giới trong gia đình và cộng đồng. Một số chỉ báo như tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã giảm. Đời sống tinh thần cũng được nâng lên rõ rệt.

Trẻ em tham gia hoạt động truyền thông "Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" trên địa bàn huyện Con Cuông.
Cần hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế
- Việc triển khai Dự án 8 tại địa bàn miền núi như Con Cuông chắc hẳn gặp không ít khó khăn, bà có thể chia sẻ về vấn đề này?
Một số khó khăn chính, bao gồm: giao thông cách trở, dân trí thấp, trình độ cán bộ hạn chế, hướng dẫn xây dựng kinh phí còn chậm, một số văn bản khó hiểu, huy động người dân tham gia còn vất vả. Người dân vẫn còn tái mù chữ, chưa có ý thức tự vươn lên, nên quá trình triển khai gặp nhiều trở ngại.
Bên cạnh đó, vẫn còn nội dung chưa đạt kế hoạch như hỗ trợ sinh đẻ an toàn, chăm sóc sức khỏe trẻ em, phát triển sinh kế cho nạn nhân mua bán người… Định mức chi cho nhiều mô hình còn quá thấp, như kinh phí thành lập và duy trì CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" chỉ 3 triệu đồng/mô hình, kinh phí hỗ trợ thành lập tổ truyền thông cộng đồng 3 triệu đồng/mô hình…

Tấp huấn "Phát triển năng lực lồng ghép giới cho cán bộ thôn, bản" trên địa bàn huyện Con Cuông.
- Bà có đề xuất gì để Dự án hoạt động hiệu quả hơn ở giai đoạn tiếp theo?
Tôi hy vọng mức hỗ trợ để duy trì và nhân rộng mô hình đã có sẽ được nâng cao hơn. Cần bổ sung kinh phí cho hoạt động ra mắt tổ truyền thông, CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi", truyền thông, văn phòng phẩm, giám sát, kiểm tra… Ngoài ra, cần có hỗ trợ cụ thể cho phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, mở rộng mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã; chi phí cho thi đua, học tập kinh nghiệm liên tỉnh...
- Xin cảm ơn bà!