Đưa cán bộ trẻ về làm việc tại Hợp tác xã: 'Luồng gió mới' cho kinh tế tập thể
PTĐT - Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Để nâng cao năng lực quản trị, điều hành cũng như đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho cán bộ trong HTX...
PTĐT - Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Để nâng cao năng lực quản trị, điều hành cũng như đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho cán bộ trong HTX, tỉnh đã triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở một số HTX nông nghiệp. Sau gần 1 năm thực hiện, bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.
Toàn tỉnh hiện có 436 HTX hoạt động ổn định, trong đó HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 72,7%, tuy nhiên các HTX vẫn hoạt động theo phương thức sản xuất truyền thống thuần túy dựa nhiều vào tự nhiên, vai trò của cán bộ quản lý chưa rõ nét nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, số lượng cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn từ cao đẳng, đại học trở lên tại các HTX nông nghiệp chỉ khoảng 15%. Bởi vậy, mô hình đưa cán bộ trẻ về làm việc tại HTX giống như “luồng gió mới”, tạo động lực để các HTX phát huy tiềm năng, thế mạnh, sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Thực hiện mô hình thí điểm đưa cán bộ trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc tại HTX, tỉnh đã lựa chọn 6 HTX nông nghiệp ở các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Tam Nông, Yên Lập và Lâm Thao để hỗ trợ kinh phí làm việc có thời hạn 24 tháng.Việc tuyển dụng, lựa chọn cán bộ, xuất phát từ nhu cầu của HTX và ưu tiên lao động tại địa phương, con em của thành viên với mức hỗ trợ cho mỗi lao động bằng mức lương tối thiểu vùng.
Về xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn, nơi HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Cường Thịnh nhiều năm nay hoạt động với trên 130 thành viên, chúng tôi được biết, vốn là địa phương có địa hình đồi núi, ruộng đồng manh mún, nhỏ lẻ, hệ thống kênh mương chưa được kiến cố hóa nên việc sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, bắt đầu từ tháng 1/2019, anh Hoàng Minh Cảnh, sinh năm 1989, tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, chuyên ngành nông lâm kết hợp về làm việc tại HTX với hy vọng sẽ là người “chèo thuyền”, tạo niềm tin để mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con vùng cao. Anh Cảnh cho biết: “Sinh ra và lớn lên ở vùng đất khô cằn nên tôi hiểu được sự khó khăn vất vả trong làm nông nghiệp. Trước đây người dân chỉ sản xuất một vụ, vụ còn lại bỏ hoang hoặc trồng các loại rau màu có khả năng chịu hạn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy, muốn phát triển sản xuất, trước hết cần phải thay đổi tư duy nhận thức, tập quán canh tác, xóa bỏ những thửa ruộng nhỏ lẻ, tạo thành ô lớn để thuận tiện cho việc giữ và lấy nước; thay thế các giống lúa lai, năng suất thấp bằng các giống lúa mới có giá trị kinh tế cao, đưa cơ giới hóa sản xuất để hạn chế sức lao động và tiết kiệm chi phí”. Phát huy sự năng động, sáng tạo và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, ngoài làm tốt các nhiệm vụ của HTX phân công, anh Cảnh cùng các thành viên đã tìm hiểu, lên phương án sản xuất kinh doanh, thuê lại 1ha đất nông nghiệp để sản xuất lúa chất lượng cao J02. Anh đã khắc phục tình trạng thiếu nước vào mùa khô bằng cách tuyên truyền, vận động bà con tạo dòng chảy bằng các mương đất, đoạn nào khó thì ống tre, ống nứa dẫn nước từ trên khe núi, xóa bỏ tư tưởng phụ thuộc vào tự nhiên. Công sức của người dân được đền đáp, khi cánh đồng khu Đồng Cạn phát triển sản xuất được cả 2 vụ lúa/năm, cho năng suất trung bình đạt 52 tạ/ha. Vụ đông năm nay, anh Cảnh tiếp tục nghiên cứu và chuyển sang trồng cây chanh leo, có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc (tỉnh Sơn La) với giá bán theo giá thị trường. Thời điểm này, cây chanh leo phát triển khá tốt, chịu được hạn, hứa hẹn mang lại thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/ha/năm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Minh Đức- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Sơn cho biết: “Trên địa bàn huyện có trên 20 HTX nông nghiệp hoạt động ổn định, tuy nhiên, lực lượng cán bộ quản lý trong HTX vẫn còn nhiều hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, do đó, mô hình đưa cán bộ trẻ về làm việc tại HTX sẽ là luồng gió mới để đội ngũ quản lý HTX thay đổi tư duy, cách làm và tạo cơ hội để thế hệ trẻ gắn bó với sản xuất nông nghiệp. Xác định rõ mục tiêu của mô hình nên ngay sau khi nhận được chủ trương của tỉnh, huyện đã thực hiện rà soát, khảo sát nhu cầu, lựa chọn HTX thí điểm phù hợp với các tiêu chí đã đặt ra với hy vọng sẽ lan tỏa được sức trẻ, thu hút lực lượng cán bộ có trình độ về làm việc tại quê hương”. Tại HTX nông nghiệp An Phú ở xã Địch quả, huyện Thanh Sơn, vài năm trở lại đây, hoạt động chăn nuôi gà ngày càng phát triển cả về chất lượng và số lượng. Với quy mô chăn nuôi lớn khoảng 16 vạn con/lứa của 24 thành viên, việc kiểm soát, phòng chống dịch bệnh luôn là nhiệm vụ quan trọng, quyết định đến sự thành công của HTX. Khi có chính sách hỗ trợ đưa cán bộ về làm việc, HTX đã đề xuất, lựa chọn 1 cán bộ có trình độ, chuyên môn về chăn nuôi thú y chuyên kiểm soát, tư vấn, phòng trừ dịch bệnh trên đàn vật nuôi cho tất cả thành viên. Nguyễn Thị Linh, tân cử nhân chuyên ngành Chăn nuôi thú y, Trường Đại học Hùng Vương đã lựa chọn nơi đây làm điểm dừng chân để phát huy năng lực và kiến thức đã học ở trường vào thực tiễn. Anh Phạm Quốc Tuân- Giám đốc HTX chia sẻ: “Mặc dù, gắn bó với chăn nuôi nhiều năm nhưng hầu hết các thành viên vẫn dựa vào kinh nghiệm, từ khi đồng chí Linh về làm việc đã giúp chúng tôi nâng cao năng lực kỹ thuật, kiểm soát và quản lý dịch bệnh khoa học bằng hình thức phân khu chuồng trại, đánh số thứ tự và sử dụng sổ ghi chép thời gian sử dụng thuốc, tiêm phòng, liều lượng theo từng chu kỳ. Nhật ký chuồng trại được treo trực tiếp ở mỗi chuồng nên hạn chế tối đa việc sử dụng nhầm vắc xin hoặc bỏ sót giữa các khu. Nhờ quản lý tốt dịch bệnh, thời gian gần đây, mỗi con gà từ lúc vào giống đến khi xuất bán giảm được 1.500 - 2.000 đồng/con/lứa chi phí từ vắc xin và tạo được sự đồng đều về chất lượng sản phẩm.Ông Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: “Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở các HTX nông nghiệp, mặc dù thời gian thực hiện mô hình mới được 1 năm nhưng tại các HTX nông nghiệp triển khai mô hình bước đầu có nhiều khởi sắc, nhất là việc hỗ trợ các HTX tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; năng lực quản lý từng bước được cải thiện để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tình trạng được mùa, mất giá trong nông nghiệp. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu với ngành nông nghiệp để nghiên cứu, hoàn thiện mô hình, cơ chế chính sách với hy vọng những tín hiệu vui sẽ được lan tỏa rộng khắp, phát huy sức mạnh của cán bộ trẻ trong việc phát triển kinh tế tập thể tại các địa phương”. Từ thực tế có thể khẳng định, mô hình đưa cán bộ trẻ về làm việc tại các HTX nông nghiệp là nguồn cảm hứng, luồng gió mới cho kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX trẻ hóa về độ tuổi cán bộ quản lý và tư duy sản xuất để thích ứng với xu thế của thị trường, nhất là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, góp phần cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để sản phẩm nông nghiệp của các HTX đến gần hơn với người tiêu dùng.