Đứa cháu ngoại
Ông quá đau buồn về một chuyện bất khả kháng. Ngày mới lấy vợ, thằng con trai ông rất chăm chỉ làm ăn, không hề chơi bời, đàn đúm. Nhưng đến khi vợ nó sinh hai đứa con gái, nó bắt đầu giở chứng.
Ông quá đau buồn về một chuyện bất khả kháng. Ngày mới lấy vợ, thằng con trai ông rất chăm chỉ làm ăn, không hề chơi bời, đàn đúm. Nhưng đến khi vợ nó sinh hai đứa con gái, nó bắt đầu giở chứng.
Tệ nhất là gần đây bỗng sinh chuyện bồ bịch. Một cô công nhân quá lứa nhỡ thì bám miết theo nó. Ban đầu còn kín đáo, sau khi đã có một đứa con trai với ả nọ thì chuyện trở thành bán công khai.
Ông hiểu rất rõ, Luật Hôn nhân của nước ta chỉ cho phép một vợ một chồng. Nhưng về chuyện này, con vợ nó dù phải ôm uất hận nhưng đã tuyên bố với toàn thể gia đình là vì hai đứa con, sẽ không bao giờ làm khó cho bố chúng nó.
Khi sự việc thằng con trai ông lộ ra, họ tộc đã có những ý kiến trái chiều. Một số người bảo vì vợ sinh một bề nên nó kiếm đứa con trai để nối dõi tông đường thì cũng nên thông cảm. Trong dòng tộc, ông là trưởng, sau ông, đến nó. Trưởng họ mà để tuyệt tự thì không tiện. Nhưng xem ra ý kiến phê phán vẫn nhiều hơn. Ông như đứng giữa đôi dòng nước, đành buông xuôi.
Thoắt cái, thằng con thêm của con trai ông đã gần mười tuổi. Suốt ngần ấy năm, ông vẫn cấm con bồ và đứa con chung của chúng nó bén mảng đến nhà, dù nó đã mấy lần khẩn khoản xin với ông cho anh em được nhận nhau. Nghe nó năn nỉ, cũng nhiều đêm ông mất ngủ. Ừ, thì thằng con ông như vậy là không đúng. Nhưng thằng con trai của chúng nó chính là cháu nội của ông bà. Có lẽ cũng chính từ những sự day trở như thế nên tuy miệng cấm thằng con nó bén mảng đến nhà này, nhưng mấy lần thấy vợ ông lén cùng thằng con trai đi thăm đứa cháu nội, ông cũng giả đu.
Nhưng rồi cuộc đời không thể trôi đi một cách bình thản mãi được. Một biến động đã xảy ra với cái gia đình thứ hai của con trai ông. Thằng con trai của nó mắc bệnh tim bẩm sinh, phải phẫu thuật. Việc chữa trị, theo tính toán của bác sĩ phải tốn kém tới đôi trăm triệu, số tiền mà chắc chắn bố nó không thể có nổi ngay một lúc.
Thằng con trai ông, xiêu vẹo về nhà, như phủ phục trước mặt ông, van xin ông cứu con trai nó bằng hình thức cho nó mượn tạm sổ đỏ ngôi nhà của ông để thế chấp. Ông lâm vào thế khó. Lo mất nhà đã đành, nhưng đó không phải là điều làm ông băn khoăn. Ông băn khoăn về việc khác. Nếu là con, cháu hợp pháp thì đó đâu phải là chuyện đáng bàn, đằng này… Nếu đưa sổ đỏ cho nó, chắc chắn ông sẽ vấp phải phản ứng quyết liệt của gia đình và dòng họ, nhất là sẽ phải nói sao với vợ nó cho hợp lẽ.
Thêm nữa, nhà ông đang ở xây trên mảnh đất hương hỏa, là đất thờ cúng của các cụ để lại, có thể nói cũng là đất chung của toàn gia tộc. Nghĩ đi, nghĩ lại, không còn cách nào khác, ông cho mời toàn bộ họ hàng đến để xin ý kiến. Làm theo ý kiến của số đông trong họ, chắc ông sẽ ít phải chịu áp lực.
Cuộc họp gia tộc biết bao tình, lý. Người ủng hộ, người phản đối, không phe nào chịu nhượng bộ. Nhưng đến khi “biểu quyết” thì có tới hai phần ba không đồng ý cho con trai ông mượn sổ đỏ. Có ý kiến còn nêu ra, nếu mất nhà mất cửa thì không chỉ là mất tài sản của cá nhân ông mà còn mất chỗ thờ cúng của dòng họ. Thế là, dù muốn hay không, ông cũng phải tôn trọng gia tộc.
Lại nói về đứa cháu gái lớn của ông. Ngày bố mẹ bỏ nhau, nó mới hơn mười tuổi, nay đã trở thành cô công nhân của một công ty may mặc, tuy tiền lương chẳng đáng là bao nhưng cũng đủ sống. Ngày họ tộc lấy biểu quyết, ông liếc nhìn thấy nó đưa tay ủng hộ phe không cho mượn sổ đỏ. Ông coi đó là lẽ thường tình. Cháu gái ông hoàn toàn có quyền xót xa cho mẹ và oán trách người bố của nó.
Ông những tưởng nghĩ về nó như thế là ổn. Nhưng không ngờ, sau đó ít hôm, đứa cháu ông từ công ty về nhà, nói với ông một cách gay gắt:
- Ông ạ, bây giờ ông bà đã già rồi, mọi chuyện không được tinh anh như trước, mà bố cháu khi bí, có thể làm liều lắm chứ. Vậy ông đưa bìa đỏ cho cháu giữ hộ. Cháu mà giữ thì bố cháu có ba đầu sáu tay cũng không lấy trộm được. Ông bà cứ yên tâm.
Thấy thái độ có vẻ hơi thái quá của nó, ông thoáng buồn. Nhưng nghĩ thấy nó nói có ý đúng nên ông lấy tấm sổ đỏ đưa cho nó.
Bây giờ, đêm ông (và cả bà nữa) mắc bệnh mất ngủ. Không đêm nào ông không thắc thỏm trong một nỗi lo âu và ân hận thường trực là đứa cháu trai mắc bệnh tim bẩm sinh có được phẫu thuật hay do không có tiền mà đành buông tay. Không biết sức khỏe của nó hiện giờ ra sao. Cứ nghĩ, ông lại thấy lòng tê dại. Đã mấy lần ông định gọi đứa cháu gái về để lấy lại tấm sổ đỏ đưa cho thằng con trai của ông, nhưng nghĩ đến “nghị quyết” của dòng họ ông lại không dám.
* * *
Mới vậy mà đã hơn một năm. Một buổi chiều, ông đang ngồi suy nghĩ miên man cùng những nỗi buồn sâu thẳm thì thằng con trai của ông bước vào cùng một cậu bé chừng mười tuổi. Nhìn đứa bé giống con trai ông như lột, ông đã hình dung ra mọi việc. Thằng nhỏ lại gần ông, lễ phép chào rồi quỳ xuống, nâng cái sổ đỏ lên tận trán, khẽ nói:
- Thưa ông nội, cháu cảm ơn ông đã cứu cháu khỏi bệnh tật. Bây giờ bố con cháu xin gửi trả lại cái giấy này cho ông bà. Nếu ông bà có giận thì cho bố con cháu xin được tạ lỗi.
Ông choáng váng chưa hiểu sự tình ra sao thì đứa cháu gái lớn từ trong nhà chạy ra với gương mặt lo lắng nhưng đầy phấn khích:
- Tất cả đều đúng như vậy ạ. Nhưng lỗi là tại cháu chứ không phải bố và em trai cháu.
Ông nhăn trán ngẫm nghĩ, nhưng chỉ một thoáng, ông đã vỡ lẽ đôi phần:
- Nghĩa là… cháu đã… đem cái sổ… đỏ…
- Vâng! Nghĩa là cháu đã lừa ông. Nhưng vạn bất đắc dĩ thôi ạ. Ông cũng hiểu lỗi là do bố cháu gây ra chứ em trai cháu đâu có tội. Với lại, cháu cũng biết, tuy không nói ra, nhưng trong thâm tâm, ông cũng hoàn toàn ủng hộ khi cháu làm việc này có phải không ông?
Bây giờ thì ông đã hiểu mười mươi. Bất giác, ông ôm cả hai đứa cháu vào lòng, cặp mắt già nua nhòe ướt.