Đưa chỉ tiêu bảo đảm ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội

Sáng 24/3, Ban Văn hóa- Xã hội, HĐND tỉnh có buổi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) tại thành phố Phúc Yên. Đồng chí Đỗ Thị Thanh Hương, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội, HĐND tỉnh chủ trì buổi giám sát.

Trưởng Ban Văn hóa xã hội, HĐND tỉnh Đỗ Thị Thanh Hương cùng các đại biểu giám sát công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Phúc Yên. Ảnh: Khánh Linh

Trưởng Ban Văn hóa xã hội, HĐND tỉnh Đỗ Thị Thanh Hương cùng các đại biểu giám sát công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Phúc Yên. Ảnh: Khánh Linh

Thành phố Phúc Yên là cửa ngõ phía Tây của Hà Nội, là nơi trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh biên giới phía Bắc về thủ đô và các tỉnh phía Nam. Điều kiện tự nhiên của địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp có cơ hội giao thương, buôn bán, đầu tư sản xuất, kinh doanh, trong đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Những năm gần đây, dịch vụ ăn uống, du lịch, nghỉ dưỡng, Homestay ở thành phố Phúc Yên rất phát triển. Toàn thành phố hiện có hơn 1.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; hàng trăm công ty, nhà trường có bếp ăn tập thể; hàng nghìn cơ sở nuôi trồng, chăn nuôi, sản xuất rượu thủ công…

Thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, thời gian qua, thành phố Phúc Yên đã tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và bố trí nguồn nhân lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, với số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lớn thì lực lượng quản lý nhà nước về ATTP còn mỏng so với tình thực thực tế; kinh phí từ nguồn ngân sách dành cho lĩnh vực ATTP còn hạn hẹp…

Theo báo cáo của UBND thành phố Phúc Yên, từ năm 2021 đến nay, cơ quan chuyên môn đã lấy gần 500 mẫu thực phẩm để kiểm tra một số chỉ tiêu nhằm phát hiện nhanh mối nguy ATTP tại các chợ đầu mối, khu kinh doanh thực phẩm. Kết quả, có 3/465 mẫu không đạt, bao gồm rau bắp cải tươi, chả lợn và thịt xay.

Vào dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán 2022, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu và các cuộc kiểm tra chuyên đề, cơ quan chức năng đã tiến hành thanh kiểm tra gần 200 cơ sở, trong đó, phát hiện 24 cơ sở vi phạm và ra quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 65 triệu đồng. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố Phúc Yên không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào…

Trên cơ sở báo cáo kết hợp kiểm tra thực tế tại một số hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Phúc Yên, lãnh đạo Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh và các thành viên trong đoàn cho rằng, việc chấp hành các quy định về ATTP tại các cơ sở được kiểm tra chưa thực sự an toàn, còn tình trạng thực phẩm sống, chín bày bán chung, bày bán ngoài vỉa hè nhưng không có vật dụng che chắn bụi, côn trùng; có cơ sở thiếu thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh… cho thấy nhận thức về Luật ATTP của hộ kinh doanh còn hạn chế.

Mặt khác, số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP hiện nay còn ít so với thực tế. Lãnh đạo Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đề nghị thành phố Phúc Yên làm rõ công tác thanh kiểm tra các quy định về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô lớn; việc xử lý đối với các cơ sở vi phạm quy định về Luật ATTP…

Sau khi lắng nghe các ý kiến giải trình, làm rõ những nội dung Đoàn Giám sát yêu cầu, Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội, HĐND tỉnh Đỗ Thị Thanh Hương ghi nhận kết quả đạt được của thành phố Phúc Yên trong thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm. Đồng thời, đề nghị địa phương bổ sung các nội dung còn thiếu và hoàn thiện báo cáo theo đề cương hướng dẫn trước ngày 27/3.

Thời gian tới, thành phố Phúc Yên cần tăng cường công tác lãnh chỉ đạo trong triển khai công tác đảm bảo ATTP; nâng cao năng lực hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP các cấp; tham mưu, đề xuất cho tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chính sách pháp luật về ATTP.

Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức về chấp hành các quy định ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật ATTP; đưa chỉ tiêu bảo đảm ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội; rà soát, nắm bắt số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại địa phương nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong sản xuất- kinh doanh thực phẩm; huy động sức mạnh quần chúng nhân dân tham gia hiệu quả vào công tác phòng chống thực phẩm bẩn, kém chất lượng trên địa bàn…

Hà Trần

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/75408/dua-chi-tieu-bao-dam-attp-vao-ke-hoach-phat-trien-kinh-te--xa-hoi.html