Đưa chiến thắng Điện Biên Phủ gần hơn với lớp trẻ
Mong muốn âm vang của chiến thắng Điện Biên Phủ gần hơn trong suy nghĩ, tình cảm của các em học sinh, đoàn viên thanh niên và cựu chiến binh, chương trình 'Dư âm Điện Biên Phủ' đã được tổ chức nhằm tiếp tục lan tỏa đến người dân thành phố Đà Nẵng.
Chương trình “Dư âm Điện Biên Phủ” do Cơ quan thường trực Báo Nhân Dân tại miền trung-Tây Nguyên phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng, Thành Đoàn Đà Nẵng và Hệ thống Giáo dục Quốc tế Sky-Line tổ chức vào tối 31/5.
“Dư âm Điện Biên Phủ” là một chương trình tổng hợp với các nội dung chính: Triển lãm tranh Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” do Báo Nhân Dân phát hành; Chiếu phim tài liệu (trích đoạn phần 1 của tập phim “Năm 1954” trong bộ phim dài 90 tập mang tên “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình” do Báo Nhân Dân sản xuất); Tọa đàm-giao lưu giữa công chúng với diễn giả...
Từ 18 giờ, những bài ca hùng tráng về Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt đầu vang lên tại sân trường Sky-Line. Các đoàn viên, thanh niên hào hứng xem bức tranh được triển lãm.
Cựu chiến binh Trần Minh Tân, thân nhân liệt sĩ Trần Ngọc Tự (là chú ruột) đến dự và cùng những bạn trẻ xem tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Vừa chỉ vào tranh, bác Tân chỉ những địa danh có trên đó. Những bạn trẻ thì quét mã QR để bác Tân thấy được hình ảnh động trên tranh.
Đến dự, bác Tân tâm sự: “Bác mừng lắm, quý lắm, 70 năm rồi nhưng những chương trình về Điện Biên Phủ vẫn còn được nhớ đến và tái hiện lại sinh động thế này. Thời đại bây giờ các cháu có nhiều điều kiện thuận lợi để làm ra những chương trình sáng tạo thế này. Cũng là phần nào để lớp trẻ biết được công lao của những người đi trước”.
Gia đình bác Minh Tân có bố, chú ruột là Liệt sĩ Trần Ngọc Tự, bác và em trai đều là cựu chiến binh. Liệt sĩ Trần Ngọc Tự tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1951, hy sinh năm 1954. Lúc đó, liệt sĩ mới ngoài 20 tuổi. Hiện nay, bác Minh Tân đang thờ cúng.
Trong khuôn khổ của chương trình, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã chia sẻ về ý nghĩa, tầm vóc của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Là một cựu chiến binh, tham gia bộ đội những năm 1964-1975, bác Tân hiểu và nắm rõ những câu chuyện về chiến dịch Điện Biên Phủ để có thể chỉ lại cho lớp trẻ ngày nay.
Thế hệ này đi qua, thế hệ khác tiếp nối, nhưng dư âm Điện Biên sẽ luôn được lưu truyền không chỉ dừng lại vào những ngày 7 tháng 5 kỷ niệm mà sẽ lan tỏa đến mãi mãi mai sau.
Trong suốt chương trình, lịch sử 70 năm trước đã được truyền tải bằng nhiều giác quan. Từ những thước phim tư liệu quý giá, bài hát hào hùng đến những cái ôm, lời nói chân thành giữa các thế hệ đã dẫn dắt khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc.
Dịp này, Báo Nhân Dân đã tặng quà tri ân 24 chiến sĩ, thanh niên xung phong từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và thân nhân 5 liệt sĩ từng chiến đấu và hy sinh tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Mỗi phần quà trị giá 1 triệu đồng và một bức tranh Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Đà Nẵng Hoàng Thị Thu Hương chia sẻ: Với niềm tự hào và phấn khởi ấy, tôi tin tưởng rằng Chương trình “Dư âm Điện Biên Phủ” với những nội dung đặc sắc và ý nghĩa ngày hôm nay sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt sẽ tiếp tục được thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết, niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước của các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dua-chien-thang-dien-bien-phu-gan-hon-voi-lop-tre-post812148.html