Đưa chính sách an sinh xã hội đến với người dân huyện Thạch Thành
Những năm gần đây, BHXH huyện Thạch Thành trở thành điểm sáng của tỉnh trong phát triển BHYT, BHXH tự nguyện. Để có kết quả đó có đóng góp không nhỏ của những cán bộ BHXH huyện, những nhân viên tổ dịch vụ thu đã không quản nắng, mưa hay đêm tối, ngày nghỉ, 'đi từng ngõ, gõ từng nhà' để đưa chính sách an sinh xã hội đến gần hơn với người dân.
Nhân viên tổ dịch vụ thu tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT cho Nhân dân xã Thành Hưng.
Bà Lê Thị Tú ở thôn Hợp Thành, xã Thành Hưng chia sẻ: Được nhân viên tổ dịch vụ thu xã và cán bộ BHXH huyện đến tư vấn chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trực tiếp tại nhà giúp tôi hiểu được giá trị của việc tham gia BHYT, BHXH tự nguyện nên với thu nhập từ buôn bán nhỏ, mỗi tháng tôi dành ra một khoản tiết kiệm để mua BHYT và đóng BHXH tự nguyện. Với số tiền bỏ ra không quá nhiều cho việc tham gia BHYT nếu không may bị bệnh phải nằm viện điều trị dài ngày thì sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho người bệnh, nhất là những bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Còn tham gia BHXH là một hình thức tiết kiệm, trước hết là vì mình, sau này giảm bớt gánh nặng cho con cháu vì có lương hưu khi về già.
Tiến tới về đích xã NTM kiểu mẫu, Thành Hưng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, trong đó có phát triển bền vững tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95%; địa phương cũng là điểm sáng trong phát triển BHYT, BHXH tự nguyện của huyện.
Phó Chủ tịch UBND xã Thành Hưng Nguyễn Thị Hải, cho biết: Để vận động người dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện, không chỉ đơn thuần là tìm đến nhà vận động, gặp nhiều hay ít lần, mà quan trọng cả là phải nắm bắt tâm tư, cung cấp thông tin để người dân hiểu và thay đổi nhận thức, từ đó tự nguyện tham gia.
Việc vận động người dân tham gia đã khó, nhưng để duy trì còn khó hơn nhiều. Vì thế chúng tôi huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ tuyên truyền dẫn chứng thực tế khi không may ốm đau, bệnh tật, đến giao cho các tổ chức đoàn thể hỗ trợ người khó khăn mua thẻ BHYT. Đồng thời thường xuyên quan tâm, theo dõi để đảm bảo quyền lợi của người tham gia; nắm bắt về thời gian tham gia, thời điểm đến hạn đóng để đôn đốc, nhắc nhở người tham gia đóng đúng, đủ và tính liên tục của mỗi loại hình bảo hiểm.
Theo báo cáo của BHXH huyện Thạch Thành, đến hết tháng 10/2023 trên địa bàn huyện có 10.303 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 97,1% kế hoạch được giao năm 2023; số người tham gia BHXH tự nguyện là 4.323 người, đạt 87,3% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ về BHYT đạt gần 91% dân số. Để đạt được kết quả đó, BHXH huyện đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Tham mưu cho UBND huyện giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT cho các xã, thị trấn; thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể có liên quan để tổ chức hội thảo, hội nghị, tập huấn, tọa đàm, đối thoại, tư vấn trực tiếp đối với các nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đối tượng lao động là nông dân khu vực phi chính thức. Đồng thời thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, giải quyết chế độ kịp thời, nhanh chóng; đổi mới hình thức tuyên truyền, tạo niềm tin cho người dân khi tham gia BHYT, BHXH tự nguyện.
Phó Giám đốc BHXH huyện Thạch Thành Bùi Minh Thành cho biết: Với tinh thần “mỗi cán bộ BHXH là một tuyên truyền viên”, từng cán bộ, viên chức và người lao động BHXH huyện đã phát huy vai trò và trách nhiệm, sáng tạo trong vận động, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT đạt hiệu quả cao. Cùng với đó, đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức như tổ chức đối thoại trực tiếp thông qua các hội nghị tuyên truyền; trên hệ thống loa truyền thanh, mạng xã hội; chia các nhóm đối tượng nhỏ; hướng tới nhóm chủ thể là nông dân và người lao động khu vực phi chính thức... để có cách thức tiếp cận, tuyên truyền phù hợp, nhằm làm thay đổi nhận thức, hành động và thói quen của người dân, từ đó chủ động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng để đảm bảo an sinh, ổn định cuộc sống.
Là huyện miền núi có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nhiều đầu mối hành chính, dân số đông, Thạch Thành cũng là địa phương có tỷ lệ người nghèo và cận nghèo còn cao; người dân tộc chiếm hơn nửa dân số... Đó là những “rào cản” trong phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn huyện Thạch Thành. Tuy nhiên, với tinh thần nỗ lực vượt khó “bám làng”, BHXH huyện Thạch Thành đã trở thành điểm sáng trong công tác khai thác, phát triển người tham gia BHYT, BHXH tự nguyện. Đây sẽ là những tiền đề quan trọng để BHXH huyện Thạch Thành tiếp tục “gieo” những hạt mầm an sinh xã hội trong đời sống người dân.