Đưa chính sách bảo hiểm xã hội vào đời sống

Để người dân được tiếp cận các chính sách an sinh xã hội trong bối cảnh thiên tai, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa các chính sách bảo hiểm đi vào đời sống. Điều này góp phần giúp nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn thêm điểm tựa, động lực để vươn lên thoát nghèo.

Cán bộ Bảo hiểm xã hội quận Hà Đông vận động người lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Tiếp cận lực lượng lao động tự do

Thời gian gần đây, chị Nguyễn Thị Hoa, chủ một quầy hàng bán hoa quả tại chợ Yên Xá (huyện Thanh Trì) cùng nhiều tiểu thương thường xuyên được nghe đại diện các cơ quan, đơn vị chức năng tuyên truyền, phổ biến về tính ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tìm hiểu kỹ về chính sách này, chị Hoa cho biết, nếu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động tự do sẽ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Nói cách khác, người lao động tự do sẽ có điểm tựa an sinh xã hội lúc tuổi già, giảm gánh nặng cho con, cháu... Còn anh Nguyễn Hồng Khanh, tổ dân phố 15, phường Thạch Bàn (quận Long Biên), người đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, chia sẻ: "Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện rất linh hoạt, mức đóng thấp, nên những người như tôi có thể tham gia".

Chị Hoa và anh Khanh chỉ là hai trong số hàng nghìn người dân Thủ đô đã tiếp cận với bảo hiểm xã hội tự nguyện. Thống kê của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho thấy, đến nay, toàn thành phố có gần 45.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và dự kiến đến cuối năm 2020, Hà Nội có khoảng 46.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 30% so với năm 2019. “Đây là con số tăng trưởng vượt bậc của ngành Bảo hiểm xã hội Thủ đô trong bối dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài”, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho hay.

Cùng với Hà Nội, cơ quan bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố khác đã vào từng ngõ, gõ cửa từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tính đến tháng 10-2020, cả nước có gần 900.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng hơn 400.000 người so với cuối năm 2019.

Kịp thời trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn

Góp phần bảo đảm an sinh xã hội, cùng với việc quan tâm phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích cực thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Nhờ đó, đến thời điểm này, 100% người nghèo, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội ở nước ta được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Trên thực tế, thẻ bảo hiểm y tế trở thành “phao cứu sinh” của không ít người có hoàn cảnh khó khăn khi bị ốm đau, bệnh tật. Điển hình là trường hợp ông Lê Văn Sao (xã Phú Cát, huyện Quốc Oai) mắc bệnh nặng, phải điều trị thường xuyên. Số tiền bảo hiểm xã hội đã chi trả cho ông Sao trong quá trình điều trị bệnh là gần 900 triệu đồng. Cũng bị mắc bệnh trọng, ông Nguyễn Tiến Hiển (xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn) đã được bảo hiểm xã hội chi trả chi phí khám, chữa bệnh là gần 800 triệu đồng....

Ngoài việc thực hiện các chính sách chung, giai đoạn 2016-2020, cơ quan bảo hiểm xã hội từ trung ương đến các địa phương đã chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng vận động các nguồn lực xã hội để mua thẻ bảo hiểm y tế tặng cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, cả nước có 11 tỉnh, thành phố đã huy động các nguồn lực xã hội để tặng gần 12.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn... Cũng trong giai đoạn này, cán bộ, công nhân viên ngành Bảo hiểm xã hội đã đóng góp kinh phí mua tặng 3.300 thẻ bảo hiểm y tế cho những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Nhằm kịp thời chia sẻ với người dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ, ngày 2-11 vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định tặng 2.500 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. Để người dân sớm có “phao cứu sinh”, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức 5 đoàn công tác trực tiếp tặng thẻ bảo hiểm y tế cho từng người, từng gia đình; đồng thời hướng dẫn cách sử dụng thẻ hiệu quả. Cùng với đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cũng tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm quyên góp tiền để mua thẻ bảo hiểm y tế tặng người dân bị ảnh hưởng bởi bão, lũ.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, sau khi bão lũ đi qua, một bộ phận không nhỏ người dân cần được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Vì thế, việc tặng thẻ bảo hiểm y tế cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn là hành động thiết thực, giúp người dân có điểm tựa an sinh xã hội vươn lên, bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau. Đó cũng là cách đưa chính sách bảo hiểm xã hội đi sâu vào đời sống, qua đó mọi người, mọi nhà đều có cơ hội tiếp cận, thụ hưởng chính sách.

Hà Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/982895/dua-chinh-sach-bao-hiem-xa-hoi-vao-doi-song