Đưa chính sách trợ giúp thay đổi cuộc sống người khuyết tật
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng (28,9%); người khuyết tật thuộc hộ nghèo (10%).
Với nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật và các chính sách an sinh xã hội hướng đến bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người khuyết tật cũng như bảo đảm cho họ được đối xử công bằng, đã góp phần cải thiện đời sống, vị thế của người khuyết tật trong xã hội.
Những chuyển biến chính sách hướng đến người khuyết tật
Hoàn thiện chính sách pháp luật; trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật; cải thiện điều kiện sinh hoạt; y tế - giáo dục; giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế, tiếp cận giao thông... là những kết quả rõ nét hướng đến người khuyết tật với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Về chính sách pháp luật. Tại kỳ họp thứ 5 và kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua 7 đạo Luật trong đó có lồng ghép các quy định để bảo vệ quyền của người khuyết tật, gồm: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (9/1/2023), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (20/6/2023), Luật Hợp tác xã (20/6/2023), Luật Phòng thủ dân sự (20/6/2023), Luật Đấu thầu số (23/6/2023), Luật Tài nguyên nước số (27/11/2023), Luật Nhà ở (27/11/2023).
Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII , Quyết định số 118-QĐ/TW/2023 ngày 22/8/2023 của Ban Bí thư cũng đưa ra quy định duy trì tối đa hoạt động phục hồi chức năng, phòng ngừa và giảm tình trạng khuyết tật phù hợp với môi trường sống của họ, tuyên truyền phòng ngừa khuyết tật, bệnh tật; ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh và bố trí ngân sách nhà nước đối với người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng; bảo vệ quyền lợi người khuyết tật là người tiêu dùng có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; tiêu chí thụ hưởng chính sách, ưu tiên số lượng thành viên là người khuyết tật nhiều hơn; bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch, ưu tiên người khuyết tật trong hoạt động phòng thủ quân sự, cứu trợ khắc phục thiệt hại; ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu đối với các nhà đầu tư có sử dụng 25% lao động là người khuyết tật trở lên; tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người khuyết tật; thực hiện hỗ trợ ưu tiên người khuyết tật trong trường hợp các đối tượng có cùng tiêu chuẩn và điều kiện; các chung cư phải có chỗ để xe cho người khuyết tật trong khu vực đỗ xe của cư dân…
Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành các nghị quyết, quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 42-NQ/TW, Chỉ thị số 39-CT/TW và Kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, điều chỉnh chính sách trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật như: chính sách trợ cấp xã hội, đào tạo nghề, tạo việc làm, miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông…
Trong năm 2023, các tổ chức trợ giúp pháp lý đã thực hiện 1.510 vụ việc trợ giúp pháp lý cho 1.510 lượt người khuyết tật có khó khăn về tài chính thông qua các hình thức tư vấn pháp luật (608 lượt người), tham gia tố tụng (878 lượt người), đại diện ngoài tố tụng (24 lượt người); phân chia theo lĩnh vực pháp luật: hình sự (447 lượt người), dân sự, hôn nhân và gia đình (718 lượt người), hành chính (29 lượt người), lĩnh vực khác (316 lượt người).
Về trợ cấp xã hội. Trong năm 2023, cả nước có trên 1,6 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, 342.329 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội.
Nhà nước đã bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp người khuyết tật như: dành khoảng 31,3 nghìn tỷ đồng trợ cấp hàng tháng và mua thẻ BHYT cho người khuyết tật là trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, người khuyết tật đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người khuyết tật được nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội; 542,112 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật theo Thông tư số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC.
Nhờ vậy, trên 3.700 nghìn người khuyết tật (trong đó quản lý bằng hệ thống thông tin chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng là 79.550) đã được lập hồ sơ sức khỏe; 2.066 người khuyết tật được khám sàng lọc định kỳ; 1.800 người khuyết tật được tiếp cận và được cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, điều dưỡng phục hồi chức năng tại các cơ sở khám chữa bệnh; 2.300 người khuyết tật được hướng dẫn tại nhà về chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng; 3.500 người khuyết tật và người nhà được tập huấn về kỹ năng phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe, kỹ năng chăm sóc, phục hồi chức năng tại nhà...
Về chính sách hỗ trợ sinh kế. Với mục tiêu bảo đảm mọi điều kiện tốt nhất để người khuyết tật được bình đẳng trong cộng đồng, các chính sách dành cho người khuyết tật đã tập trung cho giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế và hệ thống giao thông công cộng.
Năm 2023, theo báo cáo của Ngân hàng chính sách xã hội, thông qua nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động, đã cho vay 2.577 dự án của người lao động là người khuyết tật, tạo việc làm cho 16.313 lao động là người khuyết tật. Riêng Hội người mù đã cho vay 801 dự án (trong đó có 676 dự án của người khuyết tật) tạo việc làm cho 893 hội viên (trong đó có 689 lao động là người khuyết tật).
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022-2023, mô hình sinh kế cho người khuyết tật không có sinh kế ổn định đã được triển khai tại huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam, huyện Lâm Hà tỉnh Lâm Đồng và huyện Tri Tôn tỉnh An Giang; trao bò cho 120 người khuyết tật nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số không có sinh kế ổn định.
Năm 2023 có 142.964 lượt người khuyết tật được miễn giảm giá vé giao thông đường bộ; 5.108 lượt hành khách là người khuyết tật được miễn giảm giá vé giao thông đường sắt.
Sở Giao thông vận tải các địa phương đã phổ biến cho các chủ đầu tư về các quy định liên quan đến hỗ trợ người khuyết tật trong công tác xây dựng công trình giao thông, sửa chữa, bổ sung các hạng mục công trình, trang thiết bị cho người khuyết tật theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách; tổ chức tập huấn cho người điều hành vận tải và lái xe, nhân viên phục vụ trên xe có nội dung giáo dục thái độ, hành vi ứng xử đối với người khuyết tật và nâng cao chất lượng phục vụ; tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về tham gia giao thông của người khuyết tật.
Tính đến tháng 11/2023, cơ bản các công trình nhà ga, bến xe được xây dựng mới đáp ứng quy chuẩn tiếp cận, có đường dốc, nhà vệ sinh, vị trí ghế ưu tiên tại phòng bán vé dành cho người khuyết tật; có khoảng 30 - 40% công trình giao thông cũ được cải tạo đáp ứng các quy chuẩn về giao thông tiếp cận; ước tính 30% bến xe khách đã có hạ tầng bảo đảm người khuyết tật sử dụng; trên các phương tiện công cộng như xe buýt đều có niêm yết ghế dành riêng cho người khuyết tật…
Trong năm 2023, các tổ chức trợ giúp pháp lý đã thực hiện 1.510 vụ việc trợ giúp pháp lý cho 1.510 lượt người khuyết tật có khó khăn về tài chính thông qua các hình thức: tư vấn pháp luật (608 lượt người), tham gia tố tụng (878 lượt người), đại diện ngoài tố tụng (24 lượt người); phân chia theo lĩnh vực pháp luật: hình sự (447 lượt người), dân sự, hôn nhân và gia đình (718 lượt người), hành chính (29 lượt người), lĩnh vực khác (316 lượt người).
Đổi mới cách thức trợ giúp phù hợp với người khuyết tật
Bên cạnh những thành tựu nổi bật, ấn tượng trong công tác bảo đảm quyền của người khuyết tật, thực tiễn triển khai chính sách dành cho người khuyết tật cũng đang đặt ra những vấn đề cần tiếp tục được điều chỉnh để những chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống người khuyết tật.
Thứ nhất, hạ tầng giao thông tại các thành phố lớn, đô thị mặc dù đã được cải tạo rất nhiều, tuy nhiên vẫn còn hạn chế do vỉa hè, đường phố chật hẹp chưa có khu vực riêng và chưa phù hợp cho người khuyết tật di chuyển.
Thứ hai, đối tượng người khuyết tật nhẹ chưa được thực hiện xác nhận và cấp giấy chứng nhận khuyết tật; mức trợ cấp xã hội cho người khuyết tật còn thấp; số lượng người khuyết tật được các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít; cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp người khuyết tật còn thiếu, các cơ sở đào tạo chưa được đầu tư ký túc xá, trang thiết bị y tế phục hồi chức năng cho người khuyết tật, thiếu các dịch vụ trị liệu tâm lý.
Thứ ba, nhiều tỉnh, thành phố chưa quan tâm đầu tư nâng cấp Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập hoặc trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật dẫn đến thiếu các dịch vụ hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật. Sự phối hợp với các bộ, ngành khác trong công tác giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn chưa chặt chẽ.
Thứ tư, vẫn còn người khuyết tật chưa được học nghề, tư vấn hỗ trợ tìm việc làm và vay vốn để phát triển sản xuất; phương pháp tiếp cận đối tượng học nghề chưa phù hợp. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nơi ăn nghỉ chưa bảo đảm điều kiện học tập cho người khuyết tật; đội ngũ giáo viên và tư vấn, hỗ trợ còn thiếu; ngành, nghề đào tạo chưa phong phú trong khi người khuyết tật có nhiều dạng khác nhau. Chưa khuyến khích được nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia vào quá trình đào tạo và tạo việc làm cho người khuyết tật.
Để tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất giúp người khuyết tật có thể hòa nhập một cách bình đẳng, sống độc lập và tham gia tích cực vào đời sống xã hội cũng như thực hiện đầy đủ quy định trong Hiến pháp và pháp luật về người khuyết tật và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người khuyết tật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, khắc phục những vướng mắc, bất cập cho phù hợp với thực tế của đất nước và Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật; chú trọng những chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho người khuyết tật; văn bản hướng dẫn giáo dục nghề nghiệp đối với người khuyết tật.
Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, chính sách, pháp luật về người khuyết tật bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau; nghiên cứu, triển khai các giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người khuyết tật; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, thu hút sự quan tâm, ủng hộ rộng rãi của xã hội nhân kỷ niệm Ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4) và ngày quốc tế người khuyết tật (3/12).
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, xây dựng chương trình, tài liệu; đào tạo và tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực của cán bộ, nhân viên và cộng tác viên trợ giúp người khuyết tật các lĩnh vực: chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, đào tạo nghề nghiệp, giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật...
Tăng cường hợp tác quốc tế với các đối tác song phương, đa phương trong khu vực và trên thế giới; tăng cường các hoạt động điều phối, chia sẻ thông tin với các đối tác phát triển trong hoạt động trợ giúp người khuyết tật nhằm tạo thêm nguồn lực cũng như kinh nghiệm, kỹ năng phục hồi chức năng, giáo dục đào tạo… cho người khuyết tật.
Tính đến tháng 11/2023, cơ bản các công trình nhà ga, bến xe được xây dựng mới đáp ứng quy chuẩn tiếp cận, có đường dốc, nhà vệ sinh, vị trí ghế ưu tiên tại phòng bán vé dành cho người khuyết tật; có khoảng 30-40% công trình giao thông cũ được cải tạo đáp ứng các quy chuẩn về giao thông tiếp cận; ước tính 30% bến xe khách đã có hạ tầng bảo đảm người khuyết tật sử dụng; trên các phương tiện công cộng như xe buýt đều có niêm yết ghế dành riêng cho người khuyết tật…