Đưa chính sách vào đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, đời sống kinh tế - xã hội của người dân trên địa bàn huyện Nậm Nhùn có nhiều chuyển biến tích cực.

Sau hơn 10 năm chia tách, thành lập, kinh tế huyện Nậm Nhùn từng bước phát triển, an sinh xã hội bảo đảm, hệ thống hạ tầng cơ bản được đầu tư đồng bộ. Các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống từng bước được hạn chế. Đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người dân nâng lên.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, đã có 10 dự án và 15 tiểu dự án thuộc các chương trình MTQG nhằm hỗ trợ phát triển vùng DTTS trên địa bàn huyện Nậm Nhùn. Tiêu biểu như các dự án: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi… Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong đồng bào DTTS bình quân hàng năm của huyện đạt 4 - 5%; thu nhập bình quân đạt 39 triệu đồng/người/năm; 100% số bản có đường đến trung tâm được cứng hóa; tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt trên 96%. Cùng với đó là hàng chục công trình hỗ trợ hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, đưa điện lưới quốc gia đến các bản vùng khó với số vốn đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 trên 1.300 tỷ đồng. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống, thu nhập cho vùng DTTS huyện Nậm Nhùn.
Nhằm khai thác tốt các nguồn vốn, cấp ủy, chính quyền huyện chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai đồng bộ, sát thực tế địa phương. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, huyện triển khai hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 đạt nhiều kết quả tích cực. Các hạng mục hỗ trợ về sản xuất, nước sinh hoạt, nhà ở, y tế, giáo dục, tạo sinh kế bền vững… được triển khai sâu rộng, đúng đối tượng thụ hưởng. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, phát triển mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng.
Tiêu biểu như gia đình chị Pàn Thị Duyên (dân tộc Mảng ở bản Pá Bon, xã Nậm Pì). Nhờ được hỗ trợ 10 triệu đồng từ nguồn vốn Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Mảng, chị đầu tư mua 6 con lợn giống để phát triển chăn nuôi. Do chăm sóc cẩn thận và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đến nay, đàn lợn của gia đình chị phát triển khỏe mạnh, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Chị Duyên phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi được hỗ trợ vốn mua lợn giống, giờ đàn lợn phát triển tốt. Tôi sẽ tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi để ổn định cuộc sống, chăm lo cho các con được học hành đầy đủ”.

Nhờ các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hộ tại bản Nậm Chà (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn) mạnh dạn phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập.

Nhờ các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hộ tại bản Nậm Chà (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn) mạnh dạn phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập.

Còn chị Phùng Hà Só (dân tộc Hà Nhì ở bản Chang Chảo Pá, xã Hua Bum) cho biết: “Gia đình tôi được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế như: vay vốn ưu đãi, hỗ trợ mua cây, con giống, phân bón và kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, kinh tế gia đình hiện đã tốt hơn, không còn lo cái ăn, mặc như ngày xưa nữa”.
Các công trình hạ tầng: đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa bản… được đầu tư, nâng cấp, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Không chỉ hỗ trợ về vật chất, huyện Nậm Nhùn còn đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS nâng cao nhận thức, từ đó, phát huy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống. Nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá giả, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.
Bà Lý Thị Hiền - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Nậm Nhùn cho biết: “Việc triển khai các chương trình chính sách dân tộc, đặc biệt là chương trình MTQG trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, để chương trình tiếp tục phát huy hiệu quả và đến gần hơn với người dân, huyện sẽ tiếp tục rà soát nhu cầu thực tế tại cơ sở, xây dựng kế hoạch đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nguồn lực được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch”.
Thực tế triển khai tại các xã khu vực III, khu vực II và các bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn cho thấy, các chính sách dân tộc đang là "đòn bẩy" quan trọng giúp đồng bào DTTS có thêm cơ hội đổi thay cuộc sống. Các vấn đề cấp thiết như: thiếu đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt, hạ tầng thiết yếu… từng bước được giải quyết. Không ít hộ đã thoát nghèo, trở thành điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương. Hiện, thu nhập bình quân của huyện đạt 39 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 30%; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên là minh chứng cho hiệu quả của các chính sách đối với đồng bào DTTS thời gian qua.
Với sự quan tâm sát sao của Đảng, Nhà nước, cùng sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và ý thức vươn lên của người dân, các chính sách dân tộc đang từng bước đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh tại huyện biên giới Nậm Nhùn.

Nguyễn Tùng Nhấn để tìm kiếm tin cùng tác giả

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/thuc-hien-3-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-giai-doan-2021-2025/dua-chinh-sach-vao-doi-song-dong-bao-dan-toc-thieu-so-786274