Đưa chữ về buôn

Nhằm nâng cao trình độ dân trí, thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cát Tiên tiếp tục duy trì các lớp xóa mù chữ (XMC) cho học viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn. Nhờ đó, tỷ lệ mù chữ tại địa phương giảm đáng kể, đời sống bà con đã có nhiều thay đổi tích cực.

Tại Thôn 4, lớp học xóa mù chữ được đội ngũ giáo viên Trường Tiểu học Phước Cát 2 triển khai thực hiện đều đặn vào ngày thứ Hai,thứ Ba, thứ Tư hằng tuần

Tại Thôn 4, lớp học xóa mù chữ được đội ngũ giáo viên Trường Tiểu học Phước Cát 2 triển khai thực hiện đều đặn vào ngày thứ Hai,thứ Ba, thứ Tư hằng tuần

Xóa mù chữ từ thôn vùng xa

Năm 2015, tại các thôn của huyện Cát Tiên, tỷ lệ đồng bào DTTS không biết chữ chiếm 53,6%. Chính vì lẽ đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cát Tiên đã tăng cường hoạt động cùng Trung tâm học tập cộng đồng mở lớp XMC. Từ đó, duy trì và nâng cao tỷ lệ, chất lượng đạt phổ cập XMC, nhất là tại các xã vùng sâu khó khăn có nhiều khởi sắc.

Trước đây, Phước Cát 2 là xã khó khăn, 100% học sinh tại trường là người S’Tiêng và Châu Mạ sinh sống, tỷ lệ mù chữ chiếm khá cao so với mặt bằng chung của toàn huyện.

Trong 5 năm qua, lớp học XMC cho đồng bào DTTS tại Thôn 3, Thôn 4 (xã Phước Cát 2) do thầy Nguyễn Văn Nam - Phó Hiệu trưởng Trường TH Phước Cát 2, cùng đội ngũ giáo viên tâm huyết trong trường trực tiếp giảng dạy, từng bước đem lại hiệu quả thiết thực và thay đổi nhận thức cho bà con nơi đây.

Tháng 12/2015, nhà trường đã cùng phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng để mở 3 lớp với 32 học viên tại Thôn 3 và Thôn 4. Lớp được tổ chức vào tối thứ Hai, Ba, Tư hàng tuần, diễn ra trong thời gian 7 tháng.

“Lớp học này khá đặc biệt bởi học viên chủ yếu là những người có độ tuổi từ 20 đến 60. Phần lớn các học viên đều lên nương làm rẫy, quanh năm bận rộn với việc làm cà phê nhưng rất chịu khó học, tích cực đến lớp đầy đủ, đúng giờ, kể cả những ngày trời mưa” - thầy Nam nói.

Gắn bó với lớp học XMC từ những ngày đầu, thầy Nguyễn Xuân Trà (46 tuổi) thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn của người dân Thôn 3, Thôn 4 khi không biết đến con chữ. Bởi vậy, nhận được chủ trương mở lớp XMC tại thôn, sau những giờ đứng lớp, thầy đã đi từng nhà để vận động người dân đi học.

Thầy Trà tâm sự: “Nói thì dễ nhưng những ngày đầu để vận động các học viên đi học đã khó, duy trì sĩ số lớp học lại càng khó hơn. Theo đó, ngoài việc dạy học chữ, hằng ngày, các thầy cô giáo còn kết hợp việc thăm hỏi, động viên học viên hoặc tìm hiểu, giới thiệu kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi để học viên thấy được tầm quan trọng của việc biết đọc, biết viết, từ đó đến lớp đều đặn”.

Nhớ lại thời gian cách đây 5 năm, anh Điểu K’Ru (40 tuổi) hiện là Bí thư Chi bộ Thôn 4 chia sẻ: “Ngày trước, gia đình còn nghèo, đi học cũng xa trung tâm trường chính 25 km nên cứ thế theo bố mẹ lên nương làm cà phê chứ không đi học. Khi có lớp học XMC tại thôn, tôi bắt đầu tham gia lớp học, khi ấy cũng đã 35 tuổi rồi. Cũng ngại nhưng biết sao được, mình muốn biết viết, biết đến con chữ thì phải chịu khó đi học chứ. Rồi cứ thế tôi cố gắng học đếm, tập đọc, tập viết, tập tính toán nên giờ thấy mọi chuyện dễ dàng hơn”.

Duy trì có hiệu quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ

Tại Cát Tiên, năm 2019, tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 - 60 không biết chữ là 5,4%, giảm 3,6% so với năm 2015. Tỷ lệ người DTTS không biết chữ chỉ còn 11,6% tổng số người không biết chữ và trên 94% số người mới biết chữ tiếp tục học chương trình giáo dục sau khi biết chữ và không tái mù chữ trở lại.

Ông Phan Văn Hưng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cát Tiên cho biết: Hiện, toàn huyện Cát Tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 3, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, được UBND tỉnh Lâm Đồng về kiểm tra và công nhận huyện đạt chuẩn phổ cập - xóa mù chữ vào năm 2018. So với năm 2015, công tác phổ cập - XMC đã được tăng lên từ mức độ 1 lên mức độ 2.

Năm 2015 đến nay, Phòng đã mở được 6 lớp XMC tại các vùng có nhiều đồng bào DTTS với 99 học viên. Cụ thể, trong năm học 2015 - 2016, mở được 2 lớp với 32 học viên; trong đó, Trường Tiểu học Phước Cát 2 mở 2 lớp XMC và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ với 32 học viên, năm học 2018 - 2019 mở 1 lớp phổ cập giáo dục THCS với 11 học viên.

Trong việc phổ cập giáo dục vùng DTTS tại chỗ đối với xã Đồng Nai Thượng, Phước Cát 2 và Tiên Hoàng đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Ông Hưng cho biết thêm: Để công tác giáo dục phổ cập - xóa mù chữ được triển khai đồng bộ, Phòng tiếp tục xây dựng mở các lớp, tăng cường kiểm tra việc triển khai; gắn công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ với nhiệm vụ chính trị, nhất là đối với vùng đông đồng bào DTTS; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động học viên ra lớp, duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng dạy và học.

THÂN THU HIỀN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202101/dua-chu-ve-buon-3037820/