Đưa chuyện dạy con lên mạng xã hội: Lợi bất cập hại

Dạy con chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt khi mạng xã hội phát triển như hiện nay. Ranh giới giữa việc cho phép và cấm con làm gì, nếu không khéo léo sẽ để lại nhiều điều đáng tiếc, mà hậu quả không phải lúc nào cũng bộc lộ ngay trước mắt.

Dạy con ở nhà

Những ngày qua, câu chuyện dạy con của vợ một nghệ sĩ nổi tiếng sau khi phát hiện con trai bị lôi kéo vào hội nhóm xấu trở thành đề tài bàn tán sôi nổi. Rất nhiều quan điểm tranh cãi trái chiều nổ ra: đồng tình cũng có, phản đối cũng rất nhiều. Chủ đề có nên dạy con và dạy con trên mạng xã hội như thế nào dù không mới, tiếp tục được mổ xẻ với nhiều góc nhìn đa chiều từ chính các bậc phụ huynh.

Chọn những chương trình hay, bổ ích cũng là cách để cha mẹ kết nối hơn với con caíẢnh: DŨNG PHƯƠNG

Chọn những chương trình hay, bổ ích cũng là cách để cha mẹ kết nối hơn với con caíẢnh: DŨNG PHƯƠNG

“Tôi luôn giữ quan điểm chỉ dạy dỗ con ở nhà. Mang lên mạng xã hội cũng không ai giải quyết thay cho mình”, chị Thanh Hương (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) nêu ý kiến. Đồng quan điểm, chuyện con cái chỉ nên giải quyết nội bộ, chị Ngọc Hân (ngụ quận 3, TPHCM) cho rằng không phải bất cứ chuyện gì của con cái cũng đưa lên mạng xã hội. Chị cho biết: “Mạng xã hội là thế giới phức tạp, nhiều ý kiến trái chiều. Vì đa phần là người ngoài cuộc nên họ không có cái nhìn thấu đáo, nhiều khi không cần biết, sẵn sàng buông lời mắng nhiếc, chê trách, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý con trẻ. Đặc biệt, ở lứa tuổi dậy thì là giai đoạn thay đổi về tâm sinh lý, trẻ nhiều tò mò và thích khẳng định mình. Là người lớn, phụ huynh càng phải cẩn trọng hơn”.

Chị Lê Hương (ngụ TP Thủ Đức) cho hay: “Tôi thường theo dõi các hội nhóm, sau đó chắt lọc những kiến thức bổ ích về áp dụng trong việc nuôi dạy con”. Tuy nhiên, ở khía cạnh ngược lại, những tác hại của mạng xã hội phải được cân nhắc, nhìn nhận thấu đáo. Chị Ngọc Hân phân tích, khi cha mẹ đưa chuyện của con cái lên để cảnh báo hay nhờ cộng đồng mạng “dạy dỗ”, sự việc có thể diễn tiến theo nhiều chiều. Trẻ hiểu sẽ nghe lời khuyên của cha mẹ. Nếu mạnh mẽ trẻ sẽ phản kháng ngay lập tức để bảo vệ bản thân. Trường hợp còn lại, trẻ không cãi lời nhưng cũng không thổ lộ gì, thu mình hơn và tìm những cách để qua mắt cha mẹ. Mục đích ban đầu của cha mẹ là dạy dỗ con cái không khéo lại thành phản tác dụng.

Mềm nắn, rắn buông

Nuôi con đã khó, dạy con còn khó hơn gấp bội là câu cửa miệng của nhiều bậc cha mẹ hiện nay. Trẻ từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành đều trải qua rất nhiều giai đoạn “khủng hoảng” và hơn ai hết, cha mẹ chính là người hiểu con cái mình nhất. Câu hỏi đặt ra là cha mẹ sẽ đăng gì trên mạng xã hội liên quan đến con cái. Đã có rất nhiều cảnh báo cha mẹ không nên đăng hình con cái lên mạng xã hội bởi nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chị Ngọc Lan (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) là người thấm thía hơn ai hết. Khi con bắt đầu đi mẫu giáo, ngày nào chị cũng đăng ảnh và kể lại diễn biến câu chuyện theo hướng hài hước. Những tưởng nhận được sự đồng cảm, ai ngờ có rất nhiều những bình luận ác ý khiến chị phải lẳng lặng cho ẩn đi. Đó là lý do nhiều bậc cha mẹ chia sẻ chỉ đăng những gì giải trí như một bức tranh con mới tập vẽ, một món đồ chơi con tự làm hay cả một bài thơ vui con sáng tác.

Hiện nay khi trẻ ngày càng có xu hướng đề cao cái tôi cá nhân, thích thể hiện bản thân, việc tạo sợi dây kết nối gia đình, thấu hiểu giữa cha mẹ - con cái, đối thoại thường xuyên là những chìa khóa quan trọng. Đặc biệt, khi chấp nhận cho trẻ sử dụng mạng xã hội cũng đồng nghĩa cha mẹ càng phải khéo léo hơn. Từng chứng kiến những lần “nổi loạn” của cô con gái, nay đã bước vào lớp 12, chị Ngọc Khanh (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) rút ra bài học kinh nghiệm: “Ở tuổi dậy thì, trẻ thích cha mẹ làm bạn hơn là bị quản lý gắt gao. Ngay cả việc cho con sử dụng điện thoại hay laptop riêng không phải cứ ra quy định là bắt con phải răm rắp nghe lời. Không ai có thể theo dõi con 24/24 giờ, nhất là thời gian ở trường. Có thể bề ngoài con không chống đối nhưng thực chất là bằng mặt mà không bằng lòng”.

Chị Ngọc Hân chia sẻ một câu chuyện, khi con gái học cấp 2, chị phát hiện bé coi phim người lớn. Lúc đầu, chị rất giận dữ nhưng tự răn mình phải kiềm chế. Khi bình tĩnh, chị ngồi lại hỏi han và muốn con nói thật để hai mẹ con cùng chia sẻ. “Tôi cho rằng thái độ và cách ứng xử có lý, có tình của cha mẹ là điều tiên quyết. Một mặt chúng ta nên tôn trọng để con cái có không gian tự do riêng. Nhưng đồng thời cần quan sát sự phát triển, trưởng thành và thay đổi mỗi ngày của con. Tôi tin, ông bố bà mẹ nào cũng nhận ra nếu trẻ có những bất thường. Sự khéo léo, biết phân biệt đúng sai, biết lúc nào cần cương, khi nào nên nhu là chìa khóa trong nuôi dạy con cái”.

Chị Hân cho biết, sau lần đó hai mẹ con chia sẻ được với nhau nhiều hơn. Khi cha mẹ, con cái cùng tạo ra sự tin tưởng cho nhau cũng là lúc mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn.

MINH KHÔI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//dua-chuyen-day-con-len-mang-xa-hoi-loi-bat-cap-hai-800750.html