Đưa cơ giới hóa vào sản xuất
Huyện Mai Sơn hiện có 10.560 ha cây ăn quả, trên 15.000 ha cây công nghiệp, gần 17.000 ha cây lương thực có hạt... Cùng với việc lựa chọn các giống mới, năng suất cao, những năm gần đây, người dân đã đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, đặc biệt là trong khâu làm đất và thu hoạch, góp phần tăng hệ số sử dụng đất, đảm bảo khung thời vụ, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu suất lao động, tăng thu nhập đáng kể cho người nông dân.
Đi dọc những cánh đồng từ các xã Chiềng Mung, Hát Lót, Mường Bon, Chiềng Sung... dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người nông dân sử dụng máy cày cầm tay làm đất trên những khu ruộng. Tại cánh đồng bản Un, xã Mường Bon, anh Hà Văn Dưng đang điều khiển máy bừa đất ruộng của gia đình. Dừng tay, anh nói: Gia đình tôi có hơn 6.000 m² ruộng lúa, những năm trước đây, do làm đất thủ công nên tốn rất nhiều công, thậm chí có những vụ không làm đất kịp, cấy muộn nên ảnh hưởng đến năng suất. Từ khi đầu tư chiếc máy cày đa năng cầm tay, năng suất lao động được nâng lên, mỗi buổi làm khoảng 2.000 m² đất mà chỉ tốn từ 4-5 lít dầu, chi phí và thời gian đều giảm rất nhiều.
Còn ở thửa ruộng kế bên, ông Tòng Văn Phong, cho hay: Một chiếc máy có giá từ 11-25 triệu đồng, có thể tháo lắp để cày, phay, tuốt lúa, xay xát, hay làm đầu kéo để chở lúa, cỏ, phân bón. Nhà tôi đã mua 1 máy xay xát chạy bằng điện để phục vụ bà con trong bản, 1 máy cày đa năng phục vụ sản xuất hơn 1 ha ruộng, rau màu. Trước chưa có máy, tôi phải thuê, đổi nhân công làm đất trong vài ngày mới xong. Từ ngày có máy, việc làm ruộng nhẹ nhàng hơn hẳn.
Theo thống kê, đến nay, hầu hết các khâu nặng nhọc, tốn nhiều công lao động trong sản xuất nông nghiệp đã được nông dân các xã vùng thấp của huyện Mai Sơn sử dụng cơ giới. Hiện, tỷ lệ cơ giới hóa đối với khâu làm đất đạt 90%; khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật đạt trên 40%. Đối với khâu bảo quản, chế biến nông sản, việc cơ giới hóa cũng được đầu tư, như: sơ chế bảo quản ngô, sắn, nhãn, cà phê... góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch. Bên cạnh đó, hệ thống tưới tiết kiệm nước được áp dụng cho 187 ha tại 30 hộ và 20 doanh nghiệp, HTX; việc ứng dụng công nghệ tưới ẩm, tưới nhỏ giọt cho thấy hiệu quả vượt trội, giúp cây sinh trưởng tốt, năng suất tăng từ 15% - 20%.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều hộ đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ chuồng nuôi khép kín sử dụng hệ thống máng ăn tự động, máy thái, máy nghiền thức ăn... Ông Lèo Văn Trựa, bản Mòn, xã Cò Nòi, thông tin: Vợ chồng tôi làm nương trồng ngô và nuôi gần 10 con trâu, bò. Những năm trước, làm không xuể, đầu tắt mặt tối cả ngày. Từ khi gia đình tôi đầu tư 1 máy băm cỏ công suất từ 3- 4 tạ cỏ/giờ, bằng 6 người làm thủ công, không những thế, cỏ được băm đều, nhuyễn, giúp trâu, bò tiêu hóa tốt.
Trao đổi với ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, được biết, từ việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã giải phóng sức lao động, 5 năm trở lại đây, sản xuất lúa của huyện đều đảm bảo khung thời vụ. Các loại cây trồng được sản xuất theo mô hình cơ giới hóa đồng bộ, sản phẩm không chỉ tăng năng suất từ 15 - 20%, mà còn giảm chi phí đầu tư từ 3 - 4 triệu đồng/ha/vụ, tiết kiệm giống, thuốc bảo vệ thực vật, nên lợi nhuận thu về cao hơn so với phương thức sản xuất thủ công.
Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp, chủ động khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai đã góp phần nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Để đưa cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao hơn, cùng với tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, huyện Mai Sơn đang đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tập huấn, hướng dẫn, triển khai chính sách hỗ trợ giúp người dân có điều kiện mua sắm máy móc, để đẩy nhanh tiến độ đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/dua-co-gioi-hoa-vao-san-xuat-38092