Đưa con đi khám tâm thần, mẹ được phát hiện cũng mắc bệnh tương tự
Nam sinh lớp 8 được đưa đến thăm khám sức khỏe tâm thần vì gặp nhiều lo lắng, quá trình trò chuyện bác sĩ phát hiện người mẹ cũng mắc bệnh.
Nam sinh lớp 8 ở Hà Nội tính cách trầm lặng, hướng nội, lo sợ từ việc học đến các tình huống nguy hiểm ngoài đường, thậm chí còn sợ đến lớp. Các triệu chứng xuất hiện từ thời kỳ COVID-19 nhưng gia đình chưa cho em đi khám.
Gần đây, nam sinh thường lặp lại hành động bất thường như đóng cửa nhiều lần trước khi rời nhà, cầm đồ lên rồi đặt xuống nhiều lần trước khi dám cầm đồ thực sự. Cậu bé còn xuất hiện các triệu chứng như hồi hộp, run rẩy tay chân. Em được bác sĩ chẩn đoán mắc rối loạn lo âu lan tỏa và rối loạn nghi thức, đang được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm và tư vấn tâm lý, tình trạng dần ổn định.
Khi tiếp xúc với gia đình người bệnh, bác sĩ phát hiện thêm mẹ của nam sinh cũng gặp phải các triệu chứng rối loạn lo âu. Bà thường xuyên lo lắng quá mức về con trai, dẫn đến căng thẳng liên tục, đau đầu, hồi hộp, run tay chân, đánh trống ngực. Bác sĩ khuyến nghị người mẹ nên dùng thuốc để điều trị.
BSCKII Nguyễn Hoàng Yến, phòng Tâm thần Nhi và Thanh thiếu niên - Viện Sức khỏe Tâm thần, cho biết lo âu là trạng thái cảm xúc tự nhiên của con người, nhưng khi lo âu vượt quá mức thì sẽ trở thành vấn đề tâm lý.
Điều trị cho trẻ bị lo âu cần kết hợp điều chỉnh cả môi trường gia đình. Bố mẹ lo âu quá mức sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng của con cái. Trẻ lớn lên trong môi trường có sự lo lắng thường trực từ bố mẹ, hoặc chịu áp lực kỳ vọng lớn sẽ dễ dẫn đến rối loạn lo âu.
CDC Mỹ thống kê trong giai đoạn 2016-2019, các vấn đề về lo âu, hành vi và trầm cảm là những chẩn đoán phổ biến nhất ở trẻ em. Trong đó, tỷ lệ trẻ mắc chứng lo âu chiếm 9,4%, tương đương khoảng 5,8 triệu trẻ, và nhóm tuổi 12-17 có tỷ lệ lo âu cao nhất.
Bác sĩ Yến chỉ ra nhiều yếu tố dẫn đến rối loạn lo âu ở trẻ, gồm yếu tố sinh học, di truyền, và môi trường xã hội như sự lo âu quá mức của cha mẹ, hoặc việc trẻ bị ngược đãi, lạm dụng.
Triệu chứng rối loạn lo âu thường biểu hiện như né tránh các hoạt động học tập, tìm kiếm sự trấn an quá mức về những điều tiêu cực có thể xảy ra, khó tập trung vào việc học. Trẻ có thể gặp các triệu chứng thể chất như đau đầu, chóng mặt, khó nuốt, buồn nôn, đau ngực, khó thở, cảm giác tê bì ở tay chân do thở gấp.
Rối loạn lo âu có thể dẫn đến những hành vi chống đối, rối loạn ăn uống, khó khăn về giấc ngủ. Trong trường hợp nặng, trẻ có thể có ý tưởng hoặc hành vi tự sát, thậm chí không cần phải mắc thêm chứng trầm cảm. Nghiên cứu cho thấy từ 22% đến 58% trẻ bị lo âu có ý tưởng tự sát liên quan đến cảm giác tuyệt vọng, hoặc các rối loạn tâm lý khác.
Điều trị rối loạn lo âu cho trẻ em và thanh thiếu niên thường bao gồm sự kết hợp giữa điều trị bằng thuốc và tư vấn tâm lý, đồng thời cần chú ý đến các rối loạn kèm theo. Một số trẻ bị lo âu có thể che giấu cảm xúc rất tốt, khiến gia đình khó phát hiện ra tình trạng của trẻ.
Để phòng tránh rối loạn lo âu ở trẻ chuyên gia khuyên:
Tạo môi trường gia đình thoải mái: Tránh áp lực, căng thẳng quá mức từ bố mẹ.
Khuyến khích giao tiếp: Để trẻ chia sẻ cảm xúc, giải tỏa lo âu.
Hỗ trợ tinh thần: Hướng dẫn trẻ cách đối mặt với khó khăn, không tạo áp lực về thành tích.
Thúc đẩy lối sống lành mạnh: Khuyến khích vận động, ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc.
Quan tâm tâm lý sớm: Đưa trẻ đi khám nếu có dấu hiệu lo âu để can thiệp kịp thời.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/dua-con-di-kham-tam-than-me-phat-hien-bi-benh-tuong-tu-ar890335.html