Đưa công nghệ vào hoạt động xúc tiến: Bước đi mới để mở rộng thị trường xuất khẩu

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại xuất phát từ nhu cầu thực tế của tổ chức và doanh nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ngày 30/9/2020, tại Hà Nội, Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT VinaPhone) đã ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2020-2025 nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại.

Theo thỏa thuận hợp tác, hai bên sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin tập trung trong công tác xúc tiến thương mại, cụ thể, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu mạng lưới xúc tiến thương mại, cơ sở dữ liệu báo cáo, nghiên cứu thị trường; cơ sở dữ liệu chỉ dẫn địa lý các cụm, khu công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động kết nối xúc tiến đầu tư.

Bên cạnh đó, hai bên còn hợp tác nghiên cứu khả năng xây dựng các sàn giao dịch thương mại điện tử; nền tảng hội chợ, triển lãm trực tuyến; xây dựng, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc; xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đặc biệt, thông qua thỏa thuận hợp tác, VNPT VinaPhone và Cục Xúc tiến thương mại hướng tới xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến (E-learning) nhằm nâng cao hiệu quả các chương trình đào tạo, khóa tập huấn về xúc tiến thương mại, công nghệ thông tin và truyền thông.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để vận hành hệ thống; tư vấn xây dựng các hệ thống quản lý chuyên ngành và các ứng dụng công nghệ thông tin khác hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

 Sự hợp tác này có thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất trong quá trình chuyển đổi số cũng như ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến thương mại

Sự hợp tác này có thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất trong quá trình chuyển đổi số cũng như ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến thương mại

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai xuất phát từ nhu cầu thực tế của tổ chức và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp. Do đó, các ứng dụng công nghệ thông tin sẽ được nghiên cứu, phát triển dựa trên những “chuyển đổi” của thực tế, cụ thể là quá trình chuyển đổi số hiện nay.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ như là một mục tiêu để tăng hiệu quả hoạt động như trước, bây giờ nó cần phải đóng vai trò như là một chiến lược của doanh nghiệp.

Khảo sát của Cục Xúc tiến thương mại cho biết, trong tổng số trên 700.000 doanh nghiệp của Việt Nam thì có khoảng 100.000 doanh nghiệp hiện nay đang tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp.

Trong thời gian tới, Cục sẽ phấn đấu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu giúp kết nối được cả 100.000 DN xuất nhập khẩu với hệ thống tham tán cũng như các đối tác của Cục Xúc tiến thương mại trên toàn thế giới như JETRO, KOTRA, Chile...

Tuy nhiên, Cục trưởng Vũ Bá Phú cũng cho rằng, quá trình này cần có sự đồng hành của các chuyên gia cũng như các doanh nghiệp chuyên về công nghệ thông tin, để hỗ trợ Cục có những hoạt động chuyển đổi số đúng hướng, hiệu quả.

“Hy vọng, sự hợp tác này có thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất trong quá trình chuyển đổi số cũng như ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian tới”, Cục trưởng Vũ Bá Phú kỳ vọng.

Ông Nguyễn Trường Giang - quyền Tổng Giám đốc VNPT cho biết, trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, Cục Xúc tiến thương mại nổi lên là một đơn vị của nhà nước nhưng đã ứng dụng mạnh mẽ các thành quả công nghệ thông tin, công nghệ hiện đại để đưa vào phục vụ công tác xúc tiến thương mại. Cục cũng là một trong những đơn vị hiếm hoi chủ động đánh giá, lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin.

“Một trong những điểm tương đồng đó chính là khát khao ứng dụng mạnh mẽ các thành quả ứng dụng công nghệ thông tin, các công nghệ hiện đại trong quá trình chuyển đổi số để phục vụ cho sự nghiệp của mình”, ông Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.

Dự kiến, các hoạt động huấn luyện và đào tạo về công nghệ thông tin, các hoạt động hướng dẫn và tư vấn nhằm phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin sẽ được hai bên lên kế hoạch triển khai nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp và hệ thống xúc tiến thương mại.

Các ứng dụng do hai bên hợp tác phát triển dựa trên những nghiên cứu và tìm hiểu sát thực tế hứa hẹn sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực cho hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Hạ Vũ

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/dua-cong-nghe-vao-hoat-dong-xuc-tien-buoc-di-moi-de-mo-rong-thi-truong-xuat-khau-75377.htm