Đưa công nghệ vào trường học
Mục đích chính của 'lớp học doanh nghiệp' là đưa sản phẩm vào trường học để sinh viên được học tập, trải nghiệm thực tế.
Để sinh viên có trải nghiệm thực tế với công việc, các trường đại học đã “bắt tay” với nhiều doanh nghiệp nhằm đưa các sản phẩm khoa học công nghệ vào từng lớp học, tiết dạy.
Lớp học doanh nghiệp
Những năm gần đây, tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) áp dụng mô hình “lớp học doanh nghiệp”. Mục đích chính của “lớp học doanh nghiệp” là đưa sản phẩm vào trường học để sinh viên được học tập, trải nghiệm thực tế.
Cụ thể, Tập đoàn Đầu tư công nghệ Nam Long (NLT Group) cùng với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) đã khánh thành Phòng Nghiên cứu và đào tạo thực hành chuyển đổi số với trị giá hơn 10 tỷ đồng.
Đây là dự án tài trợ của doanh nghiệp phục vụ việc đào tạo sinh viên, nhằm thực hành chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; bắt kịp xu hướng, phát triển các công nghệ lõi, nền tảng số trong trường đại học.
Đồng thời, dự án trên mở ra cơ hội nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho giảng viên. Không những vậy, với hệ thống thiết bị hiện đại, công ty sẽ triển khai các khóa đào tạo, bồi dưỡng và đề tài, dự án chuyển đổi số cho đô thị, cơ quan, tổ chức, tập đoàn và doanh nghiệp trên nền tảng công nghệ 4.0: IoT, AI, GIS Cloud.
Mới đây, Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ Điện tự động Biển Đông (ESTEC) trao tặng 4 bộ Demo KIT PLC Siemens Simatic S7-1200 để ứng dụng trong dạy - học các học phần liên quan đến ngành Tự động hóa, Hệ thống điện, Cơ khí chế tạo máy, Cơ điện tử...
Đầu tháng 7/2023, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) tổ chức tập huấn khai thác và vận hành hệ thống chuyển đổi số của Tập đoàn Đầu tư công nghệ Nam Long cho toàn thể sinh viên Khoa Điện – Điện tử.
Tại buổi tập huấn, sinh viên và giảng viên được đại diện Tập đoàn Đầu tư công nghệ Nam Long – Chi nhánh miền Trung hướng dẫn cách khai thác, vận hành hệ thống quản lý giám sát trên nền tảng IoT GIS cloud như: Điều khiển chiếu sáng thông minh; cảnh báo cháy thông minh; môi trường thông minh; nông nghiệp - thủy sản thông minh...
Trải qua bài thực hành, sinh viên Ngô Nguyễn Thành Long – lớp Điện tử (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật) tỏ ra thích thú. “Qua tiết thực hành với thiết bị hiện đại đang áp dụng trong cuộc sống giúp chúng em được tiếp cận công nghệ và nắm bắt đặc thù công việc của mình sau khi ra trường”, Thành Long cho biết.
Đào tạo gắn liền thực tiễn
“Các doanh nghiệp cũng quay lại trường học để đầu tư công nghệ với mong muốn có thể tiếp cận được nguồn nhân lực giỏi về chuyên môn, phù hợp với công nghệ đang sử dụng. Đối với trường học, đây là những trang thiết bị có hàm lượng giá trị công nghệ cao. Vì vậy, khi tập huấn, sinh viên được tiếp cận các thiết bị trên thực tế, hiểu rõ yêu cầu công việc”, TS Nguyễn Linh Nam nhấn mạnh.
Theo ông Phan Trí Hùng – Giám đốc Chi nhánh miền Trung - Tập đoàn Đầu tư công nghệ Nam Long, hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đại học trọng tâm thúc đẩy nâng cao dân trí, đào tạo sinh viên tài năng, đón đầu xu thế phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
“Chúng tôi đánh giá cao những cải tiến chương trình giảng dạy của nhà trường để tận dụng hết tiềm năng từ hệ sinh thái thông minh của doanh nghiệp; từ đó giải quyết bài toán về chất lượng sinh viên của trường và lực lượng lao động của doanh nghiệp”, ông Hùng cho hay.
Đại diện doanh nghiệp cũng khẳng định, thời gian tới tiếp tục kết nối với các cơ sở đại học trong nước để sinh viên thêm cơ hội tiếp cận thực tế với trang thiết bị hiện đại; qua đó đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và cả nước.
Nhìn nhận việc đặt các phòng nghiên cứu, thực hành của doanh nghiệp tại nhà trường giúp sinh viên được “nhúng mình” vào công nghệ thực tiễn của doanh nghiệp, TS Trần Hoàng Vũ – Trưởng khoa Khoa Điện – Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) - cho hay: Liên kết đào tạo của nhà trường và doanh nghiệp đã giúp sinh viên rút ra bài học thực tiễn. Nhà trường có điều kiện lắng nghe ý kiến của phía doanh nghiệp để cập nhật chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy; xây dựng thói quen làm việc, tự nghiên cứu, tìm tòi học hỏi trong sinh viên. Điều này tạo nền tảng kiến thức vững chắc cho sinh viên sau khi ra trường và đi làm.
Theo TS Nguyễn Linh Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), một trong những giải pháp trọng tâm nhất của trường chính là gắn kết giữa đào tạo và thực tiễn.
Nhà trường tăng cường hợp tác nhằm đưa sinh viên tham gia vào hoạt động doanh nghiệp để có cơ hội trải nghiệm công nghệ, kiến thức thực tế.
Cùng với đó, các học phần như học kỳ doanh nghiệp, thực tập tốt nghiệp… sẽ giúp các em không chỉ vững về kiến thức chuyên môn, mà còn nâng cao năng lực, phong cách làm việc.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dua-cong-nghe-vao-truong-hoc-post652695.html