Đưa cuộc sống vào nghị quyết

Để Nghị quyết của Đảng được quần chúng đón nhận, sớm đi vào cuộc sống, được thực hiện thành công trong cuộc sống, bản thân nghị quyết đó cần được xây dựng từ thực tiễn, phản ánh được hơi thở của cuộc sống. Đưa cuộc sống vào nghị quyết để nghị quyết sớm vào cuộc sống, đó là cách làm trong những năm qua của các tổ chức Đảng thuộc Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang. Báo Tuyên Quang giới thiệu loạt bài viết về vấn đề này.

Nhà văn hóa xóm 12, xã Trung Môn (Yên Sơn) được hỗ trợ xây dựngtheo Nghị quyết 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Bài 1: Tìm “gốc, rễ” cho nghị quyết

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU để lãnh đạo phát triển hạ tầng nông thôn và Nghị quyết số 16-NQ/TU về phát triển nông nghiệp hàng hóa. Với việc khảo sát kỹ, đúng vấn đề, qua gần 4 năm triển khai đã cho thấy sự đúng đắn trong thực tiễn cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân, mang lại nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến rõ nét trên nhiều mặt của đời sống xã hội.

>> Bài cuối: Kiểm chứng từ thực tế

Từ những chân ruộng thiếu nước

Nhìn những ruộng lúa trĩu hạt vụ mùa năm 2019 ở thôn Đồng Quắc, xã Bình Nhân (Chiêm Hóa), ít ai biết được trước đây, cánh đồng này luôn trong tình trạng thiếu nước sản xuất, năng suất lúa đạt thấp, nhiều vụ còn bỏ hoang. Trong 2 năm trở lại đây, nhờ được đầu tư 574 m kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, cánh đồng hơn 13 ha của thôn đã đảm bảo nước tưới chắc cho 2 vụ lúa và một vụ màu. Ông Hoàng Văn Sâm, thôn Đồng Quắc cho biết, từ ngày có chủ trương xây dựng kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, ông và dân bản ai nấy đều phấn khởi, riêng ông Sâm đã tự nguyện hiến hơn 15 m chiều dài đất của gia đình để cho đoạn mương dẫn nước đi qua được thuận lợi.

Ở cánh đồng thôn Làng Chẩu, xã Thắng Quân (Yên Sơn) trước đây cũng nằm trong hoàn cảnh thiếu nước sản xuất. Ông Lý Công Nguyên, Bí thư chi bộ thôn Làng Chẩu cho biết: Hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu trên địa bàn được xây dựng từ năm 1999. Mặc dù được nạo vét thường xuyên nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng xuống cấp, nhiều đoạn hư hỏng, không đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu cho diện tích đất nông nghiệp của bà con. Chính vì thế mà nhiều năm qua, mùa vụ vẫn luôn bấp bênh bởi thiếu nước sản xuất. Năm 2018, thôn được cung cấp cấu kiện kênh mương, bà con ai cũng hăng hái đóng góp ngày công để tuyến mương nhanh chóng hoàn thiện.

Cũng như kênh mương nội đồng, việc xây dựng nhà văn hóa thôn bản để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa và hội họp của nhân dân cũng là vấn đề cấp bách ở cơ sở. Ông Nguyễn Hải Chuyền, thôn Bình Ca 2, xã Tứ Quận chia sẻ, thôn có 152 hộ dân, trước đây thôn chưa có nhà văn hóa, mỗi lần họp thôn, người dân phải đi mượn nhà dân để họp rất vất vả và bất tiện. Vì vậy, khi chính quyền có chủ trương xây dựng nhà văn hóa, nhân dân đã nhiệt tình hưởng ứng, đóng góp tiền, vật liệu, ngày công lao động, hiến đất... với tổng giá trị gần 300 triệu đồng. Nhà văn hóa thôn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đáp ứng tốt nhu cầu hội họp vui chơi giải trí của người dân.

Việc khắc phục được những bất cập, hạn chế về hạ tầng cơ sở được xuất phát từ Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020.

Nhân dân xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) làm đường bê tông nội đồng từ sự hỗ trợtheo Nghị quyết 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Ông Nguyễn Công Nông, nguyên Quyền giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: Thời điểm xây dựng nghị quyết, ông là người trực tiếp chỉ đạo và tham gia soạn thảo. Nghị quyết 15 được ban hành từ kết quả khảo sát thực tiễn trên địa bàn toàn tỉnh. Từ thực tế, các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân ở nhiều địa phương còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa. Một số thôn, bản, tổ nhân dân chưa có nhà văn hóa, hoặc đã xuống cấp, không có sân thể thao, khuôn viên. Bên cạnh đó, việc xây dựng mương kiên cố theo phương pháp truyền thống đã xuất hiện nhiều bất cập, do chất lượng vật liệu, kỹ thuật thi công nên kênh bị hư hỏng, xuống cấp nhanh, việc phát dọn, nạo vét tốn nhiều công sức, rồi bị rò rỉ, mất nước. Qua nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới xây dựng kênh mương bê-tông bằng cấu kiện đúc sẵn có độ chịu lực cao, mặt cắt kênh mương parabol thuận lợi về thủy lực, dẫn nước nhanh, bề mặt bê-tông nhẵn, nên dễ nạo vét. Đó là những cơ sở thực tiễn quan trọng để soạn thảo nghị quyết.

Việc xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết này chính là lời giải cho bài toán xây dựng hạ tầng nông thôn, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh của người dân trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết đã tạo phong trào thi đua sôi nổi xây dựng kênh mương nội đồng, làm nhà văn hóa, đường giao thông nội đồng tại các thôn, bản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Nghị quyết đi vào lòng dân, được nhân dân đồng thuận, góp phần đổi thay diện mạo các làng quê.

Đánh thức Tiềm năng nông nghiệp

Là tỉnh miền núi, sản xuất nông, lâm nghiệp là lĩnh vực chủ yếu trong cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng, giá trị và thu nhập còn thấp, sức cạnh tranh hạn chế; sản xuất phát triển chưa bền vững, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Những cây trồng, vật nuôi có lợi thế, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm ngành nông nghiệp chưa thực sự trở thành sản phẩm hàng hóa có hiệu quả bền vững. Liên doanh, liên kết và thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chưa hiệu quả.

Nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính tự cung, tự cấp, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Đó chính là những yếu tố, đặt nền tảng để Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22-5-2016 về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025. Nghị quyết này đã định hướng phát triển nông nghiệp với chiến lược quan trọng trong nhiệm kỳ và những năm tiếp theo. Trong đó, tỉnh ưu tiên phát triển những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của địa phương có lợi thế gồm: chè, mía, cam, lạc, gỗ rừng trồng, con trâu, cá đặc sản và một số nông sản hàng hóa khác có hiệu quả kinh tế gắn với nhu cầu của thị trường.

Theo ông Hoàng Đình Phùng, thôn Thôm Táu, xã Phù Lưu (Hàm Yên) hơn 60 năm trước, ông trồng những cây cam sành đầu tiên ở bản. Hiện nay, nhà nào cũng trồng cam, nhiều nhà làm giàu từ cam. Cũng từ đó mà phát sinh nhiều vấn đề như là thu hoạch ồ ạt, được mùa lại mất giá, dùng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng với thứ quả nổi tiếng này. Những năm gần đây, từ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, cây cam đã có bước phát triển mới. Cây cam có thương hiệu, được bảo hộ, có chỉ dẫn địa lý… Không những thế, giờ trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap, trồng chăm sóc theo quy trình nông nghiệp hữu cơ. Sản phẩm làm ra còn được bao tiêu đầu ra ổn định.

Ông Lý Văn Đình, dân tộc Mông, thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái (Na Hang) kể rằng, ông không nghĩ cây chè Shan tuyết vốn gắn bó với đồng bào người Mông, người Dao nơi núi cao này nay lại có giá trị cao đến thế. Những cây chè Shan tuyết cổ thụ, nhiều năm trước cũng chỉ như những cây rừng khác, đến mùa vụ, dân bản hái những búp non, tự sao chè uống nước hàng ngày hoặc biếu cho những người bạn quý từ phương xa tới chơi. Khi có Nghị quyết của Tỉnh ủy về sản xuất nông nghiệp hàng hóa cùng đề án của UBND tỉnh và sự vào cuộc của một số doanh nghiệp, những cây chè Shan tuyết ở đây đã trở thành cây giảm nghèo cho bà con vùng cao này. Ông và bà con dân bản vẫn đang chăm chút những cây chè cổ thụ và mở rộng diện tích trồng chè.

Cũng như cây cam, cây chè, một số loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế của tỉnh như cây lạc, gỗ rừng trồng, chăn nuôi trâu, nuôi vịt bầu, nuôi cá đặc sản… đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh triển khai một cách bài bản. Trong đó, cùng với việc mở rộng diện tích sản xuất, mở rộng quy mô chăn nuôi, các địa phương chú trọng thực hiện việc liên kết với các doanh nghiệp, thành lập các hợp tác xã để đầu tư, bao tiêu cho các sản phẩm nông sản. Đồng thời, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm. Một bức tranh nông nghiệp hàng hóa của Tuyên Quang đang được dần hoàn thiện bắt nguồn từ chính Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Có thể thấy, thực tiễn là “gốc, rễ”, là cơ sở quan trọng để xây dựng các nghị quyết của cấp ủy tỉnh. Ông Nguyễn Công Nông, nguyên Quyền giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: Nghị quyết số 15-NQ/TU và Nghị quyết số 16-NQ/TU đã thể hiện trách nhiệm, tập trung trí tuệ ngay từ khi khảo sát, xây dựng dự thảo, lấy ý kiến của nhiều thành phần đến khi triển khai. Điều quan trọng khi xây dựng những nghị quyết này, ngành nông nghiệp của tỉnh đã khảo sát, đánh giá trên cơ sở thực tiễn, từ chính nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày của người dân để từ đó tìm ra “gốc, rễ” của nghị quyết. Những nghị quyết này của tỉnh khi thực hiện không chỉ tác động tới cấp ủy, chính quyền mà người dân cũng nhận thấy phần trách nhiệm. Bởi chính họ mới là những chủ thể chính trong quá trình triển khai nghị quyết.

(còn nữa)
Bài, ảnh: Ngọc Hưng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xay-dung-dang-nha-nuoc/dua-cuoc-song-vao-nghi-quyet-123793.html