Đưa Đồng Nai trở thành cực tăng trưởng quan trọng của đất nước

Tạo đột phá về tư duy, phát huy tốt các tiềm năng và lợi thế, Đồng Nai xác định tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam. Đây là tầm nhìn được đặt ra trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển lâu dài của tỉnh. Trong ảnh: Đô thị Biên Hòa nhìn từ trên cao

Quy hoạch Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển lâu dài của tỉnh. Trong ảnh: Đô thị Biên Hòa nhìn từ trên cao

Quy hoạch tỉnh đặt ra mục tiêu đưa Đồng Nai trở thành địa phương đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo giá trị cao, đầu mối giao thương quốc tế và là một trong 10 thành phố đáng sống nhất châu Á.

Định hình 4 trụ cột phát triển

Quy hoạch tỉnh là khâu quan trọng trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là công cụ quản lý tổng hợp về quy hoạch phát triển trên địa bàn của mỗi địa phương.

Thời gian qua, Đồng Nai cùng với các địa phương trong cả nước đã triển khai lập quy hoạch tỉnh lần đầu tiên. Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hiện đã đi đến bước hoàn thiện báo cáo giữa kỳ.

Liên danh đơn vị tư vấn đề xuất 4 giá trị cạnh tranh của tỉnh gồm: trung tâm kinh tế lấy cảng hàng không làm trọng tâm; trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung vào thương mại điện tử; trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo hiện đại và trung tâm giáo dục nghề nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Đánh giá về tầm quan trọng của quy hoạch tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, đồ án quy hoạch có vai trò hết sức quan trọng trong quy hoạch phát triển lâu dài. Với tầm quan trọng đó, nếu chỉ có một phần sơ suất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả một giai đoạn rất dài trong quá trình phát triển của tỉnh.

Theo liên danh đơn vị tư vấn, Đồng Nai có vị trí địa lý hết sức thuận lợi. Thời gian tới, quá trình phát triển của Đồng Nai sẽ được “bổ trợ” bởi rất nhiều cơ hội mới đó là độ mở của nền kinh tế khi Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia nhiều hiệp định kết nối thương mại (FTA). Cùng với đó là hiệu ứng lan tỏa gắn liền với sự cải thiện về hạ tầng kết nối, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông quốc gia mang lại cơ hội rất lớn cho tỉnh kết nối với các khu vực kinh tế năng động.

Từ nền tảng các thế mạnh của địa phương cũng như những cơ hội mới mở ra, trong báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh, liên danh đơn vị tư vấn đã định hình 4 trụ cột phát triển của tỉnh gồm: trung tâm công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp hiện đại; thành phố sân bay - cửa ngõ giao thương của châu Á; trung tâm đô thị - dịch vụ đẳng cấp khu vực và nông nghiệp hiệu quả cao và bền vững.

Để hình thành 4 trụ cột phát triển nói trên, 6 yếu tố hỗ trợ đi kèm cũng được xác định gồm: cơ sở hạ tầng kết nối đa phương thức; nguồn vốn đầu tư đa dạng, chất lượng; nguồn nhân lực chất lượng cao; chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; quản trị và điều hành đồng bộ, hiệu quả; thể chế, chính sách đột phá.

Đánh giá kỹ tác động của các “nhân tố” mới

Trong báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh, để đạt được các mục tiêu phát triển, các khâu đột phá chiến lược đã được đề xuất.

Có 4 khâu đột phá chiến lược được đưa ra; trong đó, tỉnh phải xây dựng nền công nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp hiện đại, đặt nền tảng cho các chuỗi giá trị công nghiệp chuyên sâu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đẩy mạnh các nhóm ngành công nghiệp chủ lực có giá trị cao. Đồng thời, hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển các nhóm ngành tiềm năng. Tỉnh hướng tới hiện đại hóa các khâu, công đoạn trong chuỗi giá trị nhằm giảm các ngành mang tính thâm dụng lao động cao và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Đồng Nai cần thúc đẩy triển khai mô hình thành phố sân bay, với lõi là cảng hàng không quốc tế Long Thành với hệ thống trung tâm logistics thông minh, đồng bộ, kết hợp tối ưu các hạ tầng vận tải, kho bãi hiện hữu trên địa bàn. Đồng thời, thúc đẩy các nền tảng dịch vụ đô thị, lưu trú và mô hình du lịch MICE (hình thức du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện…) với các tiện ích, hạ tầng đa dạng, thông minh.

Cùng với đó, Đồng Nai cần phát triển các tổ hợp GD-ĐT chuyên sâu cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm hình thành hệ sinh thái nghiên cứu, đào tạo KH-CN, khuyến khích sáng tạo khởi nghiệp mang tính đổi mới.

Khâu đột phá cuối cùng là thiết lập các quần thể đô thị, dịch vụ giải trí sinh thái, tận dụng các điểm mạnh về tài nguyên thiên nhiên như: sông, núi, hồ. Từ đó, thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, giải trí, thể thao đẳng cấp, mang tính cạnh tranh cao trong khu vực.

Đánh giá báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh đã cơ bản định hình được khung phát triển của Đồng Nai, nhưng theo Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên, liên danh tư vấn cần đánh giá kỹ tác động của những nhân tố mới xuất hiện trong quy hoạch. “Kết nối giao thông, phương thức giao thông kết nối khi sân bay Biên Hòa khai thác lưỡng dụng là yếu tố cần tính toán” - ông Nguyễn Hữu Nguyên nêu ý kiến.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho rằng, Đồng Nai không thể phát triển độc lập mà phải gắn với kết nối vùng. Tỉnh xác định trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp và thương mại dịch vụ là những trụ cột kinh tế, nhưng địa phương không thể tự mình dịch chuyển mà phải gắn với kết nối vùng.

Đối với hạ tầng giao thông, Giám đốc Sở GT-VT Lê Quang Bình cho hay, hạ tầng giao thông phải đi trước để dẫn dắt phát triển. Do đó, trong quy hoạch cần tính toán đến việc phát triển đường sắt đô thị kết nối với các tỉnh lân cận như TP.HCM, Bình Dương. “Tỉnh chưa có quy hoạch đường sắt đô thị nên cần tính toán để bổ sung. Có hệ thống đường sắt đô thị kết nối với các địa phương sẽ giải tỏa rất nhiều cho mạng lưới đường bộ” - ông Bình cho hay.

Phạm Tùng

Giám đốc Sở Xây dựng HỒ VĂN HÀ:

Đánh giá, dự báo về đóng góp của kinh tế đô thị

Theo dự báo, đến năm 2025, dân số của Đồng Nai có khoảng 3,5 triệu người, trong đó có đến 65-67% dân số sống ở đô thị. Do đó, cần có sự đánh giá, dự báo sự động góp của kinh tế đô thị trong quá trình phát triển.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về phát triển đô thị đặt mục tiêu kinh tế đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% năm 2025 và khoảng 85% năm 2030. Đồng Nai có vị thế đắc địa để phát triển kinh tế đô thị nên cần có sự đánh giá, dự báo cụ thể.

Giám đốc Sở TT-TT TẠ QUANG TRƯỜNG:

Định hướng cho công tác chuyển đổi số

Đơn vị tư vấn có sự hỗ trợ đối với tỉnh trong việc định hướng công tác chuyển đổi số. Ví dụ như sắp tới đây tỉnh sẽ sử dụng công nghệ gì? Đơn vị tư vấn đặt vấn đề tiếp tục sử dụng công nghệ 5G nhưng hiện nay nhiều nước đã chuyển đổi lên 6G, thậm chí dùng vệ tinh, như vậy công nghệ 5G liệu có còn phù hợp?

Đồng Nai hiện chưa có khu công nghệ thông tin của tỉnh. Tỉnh cần quy hoạch để chúng ta có nguồn nhân lực công nghệ thông tin ngay tại chỗ phục vụ phát triển.

Quỳnh Nhi (ghi)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202306/dua-dong-nai-tro-thanh-cuc-tang-truong-quan-trong-cua-dat-nuoc-3168996/