Đưa du lịch Đồng Nai vào bản đồ du lịch thế giới
Đồng Nai đang tập trung phát triển các dự án, sản phẩm du lịch nhằm khai thác những lợi thế, tiềm năng độc đáo từ rừng, hồ, sông, địa chất… Mục tiêu của tỉnh là từng bước đưa các điểm đến du lịch của Đồng Nai vào bản đồ du lịch thế giới.
Để đạt được thành quả đó, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã tăng cường các hoạt động khảo sát, quy hoạch, tìm kiếm nhà đầu tư xứng tầm với từng loại hình, sản phẩm; khuyến khích các đơn vị, địa phương quảng bá, xây dựng nhiều điểm đến du lịch có giá trị về du lịch cộng đồng gắn với những tiềm năng về nông nghiệp nông thôn, làng nghề, địa chất, di sản và văn hóa…
Đánh thức tiềm năng
Trên thực tế, Đồng Nai đã góp mặt vào bản đồ du lịch thế giới từ nhiều năm nay với những địa danh nổi tiếng như: Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Tuy nhiên, Đồng Nai vẫn còn những danh thắng độc đáo, những đặc trưng về đa dạng sinh học, địa chất, bản sắc văn hóa vùng mở cõi phương Nam… chưa được khai thác phát triển xứng tầm.
Đồng Nai đang hướng đến mục tiêu vào năm 2025, ngành du lịch Đồng Nai sẽ cất cánh cùng hàng không. Để có cơ sở thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang tận dụng mọi cơ hội để quảng bá hình ảnh, đánh thức những tiềm năng lớn đang còn “ngủ đông” để cùng ngành du lịch “cất cánh”.
Theo một số chuyên gia du lịch, nhà khoa học, Đồng Nai đang sở hữu những giá trị đặc thù mà những nơi khác không có. Chẳng hạn như, Đồng Nai có thương hiệu gốm Biên Hòa là sản phẩm gốm duy nhất của Việt Nam được định danh trên trường quốc tế với chất men xanh đồng trổ bông. Cho đến nay, chất liệu men này vẫn chưa nơi nào làm được, vì màu sắc này được hình thành từ cấu tạo địa chất của đất, nước được sử dụng ngay tại vùng đất Biên Hòa của Đồng Nai.
Để phát huy những giá trị di sản gốm gắn với công nghiệp văn hóa, sáng tạo và du lịch, GS-TS Phan Thị Thu Hiền, giảng viên cao cấp Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), chia sẻ với những giá trị độc đáo đi cùng thương hiệu riêng của gốm Biên Hòa trên trường quốc tế, thành phố Biên Hòa có thể xây dựng thương hiệu thành phố gốm sứ của Việt Nam như một số nước trên thế giới đã làm như: thành phố Incheon của Hàn Quốc, Cảnh Đức Trấn của Trung Quốc hay thủ phủ gốm Caltagirone của Ý. Nếu làm được điều này, di sản mỹ nghệ Biên Hòa sẽ tiếp tục dòng chảy từ lịch sử đến hiện đại và phát triển một cách bền vững. Khi đã tạo được sự gắn kết giữa bảo tồn và phát huy những giá trị di sản trong thời đại mới, ngành gốm Biên Hòa sẽ có cơ hội thăng hoa trở lại. Du khách khi đến Biên Hòa vừa có thể trải nghiệm không gian gốm, vừa cùng cư dân địa phương sống trong không gian văn hóa đô thị hiện đại.
Cách thành phố Biên Hòa chưa đầy 100km, khu vực các huyện: Tân Phú, Định Quán, Trảng Bom, Thống Nhất sở hữu di sản thiên nhiên về đá và hang động núi lửa với những “kiệt tác thiên nhiên” được cấu thành từ đá như: Đá Ba Chồng, Đá Dĩa, Hang Dơi và hệ thống hang động núi lửa cách đây hàng chục triệu năm.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam, PGS-TS Trần Tân Văn chia sẻ, Đồng Nai có hệ thống núi lửa và các hang động núi lửa mang giá trị độc đáo, chưa từng có ở nơi khác tại Việt Nam. Những giá trị này đủ yếu tố để xây dựng nên những câu chuyện về địa chất hàng chục triệu năm qua, những dấu tích để lại trên các tảng đá, hang động. Đây sẽ là điều kiện đầu tiên để Đồng Nai đăng ký lên Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận công viên địa chất toàn cầu đầu tiên ở phía Nam.
Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch LÊ THỊ NGỌC LOAN cho biết, thời gian qua, công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch luôn được ngành du lịch chú trọng trên các nền tảng. Nội dung tuyên truyền ngày càng phong phú, nêu được những điểm nhấn, truyền tải thông điệp từ các sản phẩm du lịch. Các điểm đến du lịch hiện nay đã ứng dụng rất tốt công nghệ thông tin vào quảng bá, xây dựng hình ảnh, tiếp cận đến du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, với những lợi thế về hạ tầng giao thông, đô thị và môi trường thu hút đầu tư thuận lợi, ngành du lịch Đồng Nai sẽ có thêm nhiều cơ hội để hoàn thiện, tăng tốc phát triển những sản phẩm du lịch mang giá trị độc đáo về địa chất, di sản, văn hóa, lịch sử, đa dạng sinh học… thông qua các kênh tuyên truyền, quảng bá, du lịch Đồng Nai sẽ từng bước ghi thêm những danh thắng vào bản đồ du lịch thế giới.
Để có tên trên bản đồ du lịch thế giới
Cuối năm 2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai ban hành Nghị quyết 04/NQ-TU về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Cùng với đó, trong Quy hoạch tỉnh, Đồng Nai đã công bố các dự án du lịch lớn để mời gọi doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư. Mục tiêu đến năm 2030, Đồng Nai sẽ là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới với nhiều du khách trong nước và quốc tế. Ngoài cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Đồng Nai còn nâng tầm những giá trị di sản, văn hóa, nông nghiệp, nông thôn…
Theo Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, đến nay, tỉnh đã thu hút được 16 dự án phát triển có liên quan đến du lịch với tổng vốn đầu tư khoảng 10 ngàn tỷ đồng. Mục tiêu đầu tư của các dự án là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khách sạn, khu đô thị du lịch.
Ngoài ra, Đồng Nai đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đang lập các thủ tục để triển khai dự án như: Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ và du lịch Hoàng Gia Bảo lập thủ tục đầu tư Dự án Tuyến du lịch đường sông với vốn đầu tư trên 1 ngàn tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Cường Thuận lập thủ tục đầu tư Dự án Du lịch sinh thái kết hợp vui chơi giải trí tại hồ Trị An với tổng vốn 1,3 ngàn tỷ đồng; Công ty TNHH Du lịch sinh thái Vườn Xoài lập thủ tục đầu tư Dự án Safari vốn đầu tư trên 1 ngàn tỷ đồng; Tập đoàn SunGroup đang nghiên cứu đầu tư Dự án phức hợp tại khu vực núi Chứa Chan và hồ Núi Le. Đây là những dự án quan trọng để góp phần phát triển sản phẩm đặc trưng của du lịch Đồng Nai trong những năm tiếp theo, tạo điều kiện cho du lịch phát triển đột phá, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong hoạt động xây dựng tour liên kết và kết nối khách về Đồng Nai, ngành du lịch Đồng Nai đã phối hợp ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh vùng Đông Nam Bộ xây dựng các tuyến du lịch liên kết, đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến các điểm du lịch tại Đồng Nai như: Khu du lịch Suối Mơ, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên, núi Chứa Chan... Thời gian qua, Đồng Nai khai thác thị trường khách du lịch chủ yếu là khách nội địa, chiếm thị phần khoảng 97,5% đến từ vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Khách quốc tế chủ yếu đến từ các thị trường châu Âu và Mỹ tham quan tại Vườn quốc gia Cát Tiên và các chuyên gia nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam (Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản...).