Đưa giáo dục dân số & phát triển đến gần học sinh
Chi cục DS-KHHGĐ đã tổ chức sinh hoạt ngoại khóa tại 9 trường THPT trên địa bàn tỉnh, cung cấp cho học sinh một số kiến thức cơ bản về: chăm sóc SKSS VTN/TN; tác hại của nạo phá thai và phòng tránh mang thai ngoài ý muốn; lợi ích của khám sức khỏe trước hôn nhân; kiến thức bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh...
Thực hiện Ðề án Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên/thanh niên (VTN/TN) giai đoạn 2017-2020, thời gian qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGÐ) và các Trung tâm DS-KHHGÐ huyện, thành phố đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông thông qua việc tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa giáo dục về dân số và phát triển cho đối tượng học sinh tại các trường THPT và THCS trên địa bàn. Hoạt động này góp phần giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn và nâng cao chất lượng dân số, cũng như nâng cao kiến thức, sự hiểu biết, thái độ và kỹ năng thực hành của VTN/TN về KHHGÐ.
Theo đó, Chi cục DS-KHHGÐ đã tổ chức sinh hoạt ngoại khóa tại 9 trường THPT trên địa bàn tỉnh, cung cấp cho học sinh một số kiến thức cơ bản về: chăm sóc SKSS VTN/TN; tác hại của nạo phá thai và phòng tránh mang thai ngoài ý muốn; lợi ích của khám sức khỏe trước hôn nhân; kiến thức bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh... Các Trung tâm DS-KHHGÐ phối hợp Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục - Ðào tạo và tổ chức Ðoàn Thanh niên tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, tuyên truyền cho học sinh tại các trường THCS.
Tại TP. Tây Ninh, trong tháng 11, Trung tâm DS-KHHGÐ Thành phố đã tổ chức được 3 buổi sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh THCS trên địa bàn. Tại các buổi sinh hoạt ngoại khóa, báo cáo viên là những người có chuyên môn chịu trách nhiệm giới thiệu các nội dung chăm sóc SKSS VTN/TN, đồng thời gợi mở tình huống để các em học sinh đặt câu hỏi, giao lưu. Theo cán bộ Trung tâm DS-KHHGÐ Thành phố, đa phần các em học sinh hiện nay cũng đã tự trang bị cho mình những kiến thức về SKSS VTN thông qua những thông tin trên báo chí, internet. Các em cũng đã mạnh dạn trao đổi, đặt câu hỏi về vấn đề này tại những buổi sinh hoạt.
Truyền thông chăm sóc SKSS VTN/TN, tuyên truyền dịch vụ DS-KHHGÐ cho VTN/TN là công tác thường xuyên của các Trung tâm DS-KHHGÐ trong những năm qua. Tuy nhiên, trước đây, hoạt động chỉ được lồng ghép theo hình thức cung cấp tài liệu cho các cơ sở Ðoàn, cán bộ phụ trách công tác Ðội ở trường học để họ tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt đoàn viên, lồng ghép vào các giờ giảng dạy, sinh hoạt ở trường. Từ khi đẩy mạnh việc tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa giáo dục về dân số và phát triển, công tác tuyên truyền được sâu rộng và bảo đảm hiệu quả hơn.
Ðể không ảnh hưởng đến thời gian học tập của các em, các buổi sinh hoạt ngoại khóa do Trung tâm DS-KHHGÐ huyện Châu Thành tổ chức được lồng ghép vào các giờ sinh hoạt đầu tuần của trường. Mỗi năm, hoạt động được tổ chức xoay vòng ở một số trường THCS trên địa bàn. Năm nay, hoạt động sinh hoạt ngoại khóa giáo dục về dân số và phát triển được tổ chức tại 3 trường THCS Thành Long, Ðồng Khởi và Võ Văn Truyện với sự tham gia của gần 900 học sinh.
Theo lãnh đạo Trung tâm DS-KHHGÐ huyện Châu Thành, hiện nay, các thông tin về giáo dục giới tính, chăm sóc SKSS cho VTN/TN được đăng tải rất nhiều trên internet, học sinh có thể dễ dàng tiếp cận với những thông tin này. Tuy nhiên, đây là thông tin chưa được kiểm chứng, nhiều kiến thức chưa chuẩn xác có thể gây ra những suy nghĩ sai lệch cho vị thành niên. Do đó, thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các em sẽ được tiếp cận những thông tin chính xác hơn từ những người có chuyên môn và đặt những câu hỏi mình thắc mắc, chưa rõ để được giải đáp kịp thời.
Mục tiêu của các buổi sinh hoạt ngoại khóa không chỉ cung cấp kiến thức cho học sinh mà còn phải tạo ra sân chơi để các em tự do trao đổi, tương tác với báo cáo viên. Tuy nhiên, tại các địa phương vùng nông thôn, đa phần các em học sinh còn e ngại với những vấn đề về giới tính, tâm sinh lý nên rụt rè trao đổi, đặt câu hỏi dẫn đến hiệu quả tương tác của những buổi sinh hoạt vẫn chưa đạt như mong đợi. Bên cạnh đó, kinh phí tổ chức còn hạn hẹp nên ngành chức năng chưa thể mở rộng tổ chức ở nhiều trường một cách có quy mô để đạt hiệu quả tốt nhất.
Nguồn Tây Ninh: http://baotayninh.vn/dua-giao-duc-dan-so-phat-trien-den-gan-hoc-sinh-a116848.html