Đưa giáo dục hạnh phúc vào chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, nội dung mục tiêu giáo dục dục hạnh phúc lần đầu tiên đã được đưa vào dự thảo chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030.
Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về trường học hạnh phúc “Có thể học được kỹ năng kiến tạo hạnh phúc không?” diễn ra tại Trường ĐH Sư phạm Huế (ĐH Huế) trong các ngày từ 3-6/4, quy tụ các học giả quốc tế nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục hạnh phúc; cùng sự tham gia của các giáo viên, cán bộ quản lý các trường phổ thông tại Huế, Hà Nội, Quảng Trị, Kon Tum, Đắc Lắc, Bến Tre...và các giảng viên, nhà nghiên cứu của các trường đại học sư phạm.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc nhìn nhận sự quan tâm của thầy cô trong ngành và đại biểu rất lớn, cho thấy sự khởi đầu hứa hẹn và tốt đẹp về trường học hạnh phúc.
Năm 2011, Liên hợp quốc thông qua nội dung: ‘Hạnh phúc là quyền cơ bản của con người”. Năm 2012, báo cáo đầu tiên về hạnh phúc, do một số trường ĐH nghiên cứu về phát triển bền vững, ra đời.
UNESCO đã xác định hạnh phúc của trẻ em, học sinh và sinh viên là ưu tiên hàng đầu với mọi quốc gia thành viên. Tháng 6/2014, tổ chức này đề xướng dự án Trường học hạnh phúc nhằm cải thiện sự an lạc và phát triển toàn diện của người học. Năm 2016, báo cáo “Trường học hạnh phúc, khung lý luận cho sự an lạc của người học ở châu Á – Thái Bình Dương” đã chỉ ra 22 tiêu chí cho mô hình. Đây là bước tiến mạnh mẽ hướng đến việc tái tư duy về hệ thống giáo dục.
Bộ GD-ĐT đã ủy nhiệm cho Công đoàn Giáo dục Việt Nam xây dựng mô hình điểm “Trường học hạnh phúc – Thầy cô hạnh phúc – Học sinh hạnh phúc” để làm cơ sở nhân rộng ra các trường khác.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng: Xây dựng trường học hạnh phúc là vấn đề lâu dài, cần sự chung tay từ nhiều phía, cũng như có những nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm trong nước và nước ngoài.
Khi xây dựng chiến lược giáo dục giai đoạn 2021 – 2030, lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT đã đưa vào nội dung về giáo dục hạnh phúc, cụ thể là khẳng định mục tiêu của giáo dục là vì hạnh phúc con người; bên cạnh những mục tiêu khác.
Cùng với đó, trong các giải pháp thực hiện chiến lược, thì có giải pháp xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc, mà phát triển mô hình trường học hạnh phúc là một trong những hướng phát triển phù hợp.
Tham dự phiên khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình bày tỏ: Trường học hạnh phúc hướng tới hình thành các giá trị cốt lõi, như sự yêu thương, an toàn và tôn trọng. Mỗi thành viên từ cán bộ quản lý, giáo viên và người học đều có môi trường để bày tỏ suy nghĩ của mình; có điều kiện để đổi mới sáng tạo, phát huy hết năng lực của mỗi cá nhân.
Trong tham luận mở đầu hội thảo, GS Hà Vĩnh Thọ lưu ý giáo dục không chỉ có nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng lao động mà còn phải xây dựng những công dân tương lai có đóng góp cho hạnh phúc cho người khác, cho xã hội, và trước hết biết nuôi dưỡng, kiến tạo cho hạnh phúc của chính mình. GS cũng cho biết, xây dựng chất lượng mối quan hệ là nhân tố tác động đến hạnh phúc của con người nhiều nhất.
Trong tham luận trực tuyến, TS Schleicher, đại diện tổ chức OECD đã nêu những khảo sát cụ thể về các khía cạnh của trường học hạnh phúc. Tổ chức này cũng đang hướng tới phát triển “la bàn nội tâm”, có khung đánh giá các chỉ số về Chân, Thiện, Mỹ - các yếu tố quan trọng kiến tạo trường học hạnh phúc.
Trong những ngày còn lại, các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận về các vấn đề như: Sức khỏe tâm thần; Giáo dục cảm xúc xã hội; Hành trình đến với sự an lạc và hạnh phúc; Phát triển các kỹ năng hạnh phúc...Sau 4 năm thí điểm tại Thừa Thiên Huế, đã có 181 giáo viên từ 9 trường phổ thông, cùng 4.100 học sinh thu hưởng chương trình "Trường học hạnh phúc". Hội thảo quốc tế lần đầu tiên được tổ chức cũng là dịp thiết lập mạng lưới giữa nhà khoa học và những người thực hành để học hỏi và hỗ trợ lẫn nhau; thúc đẩy cùng nhìn lại và xem xét phương thức tối ưu để đưa hạnh phúc và an lạc của giáo viên, học sinh vào các chính sách và chiến lược của ngành giáo dục.