Đưa hàng hóa mang nhãn hiệu xứ Thanh đến với người tiêu dùng
Theo số liệu thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, tỉnh ta có 209 nhãn hiệu hàng hóa được cấp văn bằng bảo hộ, 4 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, 23 sản phẩm được công nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Những sản phẩm này khi được 'định danh' đã tìm được chỗ đứng trên thị trường, nhiều sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận, mức tiêu thụ tăng cao.
Sản phẩm dưa vàng và dưa lưới Vạn Hoa của Công ty CP Nông nghiệp Vạn Hoa (Nga Sơn) được trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ - triển lãm các thành tựu kinh tế – xã hội tỉnh Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn hàng trăm mặt hàng dù đã xây dựng được nhãn hiệu, song vẫn loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường. Do đó, để những sản phẩm mang nhãn hiệu xứ Thanh đến được với người tiêu dùng cần sự chung tay vào cuộc của các ngành, địa phương và đơn vị sản xuất.
Sản phẩm nước mắm Do Xuyên - Ba Làng là một trong những sản phẩm truyền thống, có giá trị kinh tế cao. Từ nhiều năm nay, đã trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng, nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa. Với sự hỗ trợ từ Sở Khoa học và Công nghệ, sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Từ ngày có nhãn hiệu, nước mắm Do Xuyên – Ba Làng ngày càng nổi tiếng và được người tiêu dùng ưa chuộng. Cơ sở sản xuất nước mắm Tuyến Hòa ở thôn Quang Minh, xã Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn) là một trong những cơ sở đi đầu trong việc xây dựng nhãn hiệu và quyết tâm phát triển dòng sản phẩm truyền thống ra khắp các thị trường trong và ngoài nước. Chị Nguyễn Thị Hòa, chủ cơ sở cho biết: Với lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào cùng với những bí quyết trong sản xuất đã được truyền thụ từ bao đời, nước mắm Do Xuyên - Ba Làng đặc trưng thơm ngon, không thua kém bất cứ sản phẩm đến từ các nơi. Song để đưa nước mắm của làng nghề đến tay người tiêu dùng một cách rộng rãi, cần phải từng bước xây dựng thương hiệu một cách quy mô, bài bản hơn. Việc đăng ký bản quyền, đặt logo, đóng chai và dán tem nhãn với mẫu mã bắt mắt, tiện lợi cho từng sản phẩm, không chỉ giúp cho việc sản xuất tiết kiệm thời gian, chi phí lao động, việc vận chuyển dễ dàng mà còn đem lại niềm tin cho người tiêu dùng. Cùng với việc mở rộng sản xuất, chị Hòa đầu tư mở nhiều quầy hàng giới thiệu sản phẩm ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh bán sản phẩm qua kênh mạng online và kênh du lịch bên cạnh kênh kinh doanh truyền thống. Nhờ có sự đầu tư bài bản, đến nay không chỉ cơ sở nước mắm Tuyến Hòa, mà nhiều cơ sở sản xuất khác của làng nghề nước mắm Do Xuyên - Ba Làng đã tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, giúp cho vùng đất này được nhiều người biết đến và tin tưởng mỗi khi nhắc đến nước mắm xứ Thanh.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những sản phẩm truyền thống, như: bánh gai Tứ trụ, chè lam Phủ Quảng, chiếu cói Nga Sơn... trên địa bàn tỉnh còn hàng trăm sản phẩm mới phát triển được người tiêu dùng đánh giá cao. Song vẫn chỉ “mang danh trong vùng” mà chưa tiếp cận được với thị trường, người tiêu dùng chưa thực sự biết đến, do đó doanh thu, lợi nhuận và giá bán không đạt như kỳ vọng. Ví như, các sản phẩm chế biến từ tổ yến của Công ty Sản xuất và Thương mại yến sào Xứ Thanh, xã Hưng Lộc (Hậu Lộc). Cho dù đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa được 5 năm song vẫn loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường. Sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu chứng nhận và nhất là khi sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh, sản phẩm đã được người tiêu dùng biết đến. Số lượng đơn hàng tăng lên, sản phẩm tiêu thụ nhiều hơn, doanh thu nhờ đó cũng bảo đảm. Anh Nguyễn Văn Tú, giám đốc công ty, cho biết: Việc xây dựng được nhãn hiệu và công nhận các tiêu chuẩn chất lượng, trở thành sản phẩm OCOP chính là nền tảng để thúc đẩy tiêu thụ và khẳng định tên tuổi trên thị trường. Đồng thời, chính là tấm vé thông hành để thị trường nhận diện sản phẩm, bảo hộ sản phẩm khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tất cả các sản phẩm được sản xuất trên địa bàn tỉnh dù truyền thống hay hiện đại, luôn mang nét rất riêng của đất và người xứ Thanh. Tuy nhiên, không nhiều sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, việc tiếp cận với người tiêu dùng còn gặp khó khăn. Đại diện Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, cho biết: Gần đây, khi tỉnh triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm và đã tìm ra 59 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đây là những sản phẩm đặc trưng mang nhãn hiệu của xứ Thanh. Do đó, để các sản phẩm đến được với người tiêu dùng, bên cạnh việc hỗ trợ quảng bá sản phẩm thông qua tổ chức các hội chợ, triển lãm, tỉnh ta còn xây dựng nhiều chính sách kích cầu tiêu dùng, như triển khai cuộc vận động “người Thanh Hóa ưu tiên dùng hàng Thanh Hóa”. Đồng thời, thông qua các chương trình hỗ trợ để xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Tiêu biểu, như: Thông qua Chương trình Mỗi xã một sản phẩm xây dựng được 5 điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP tại TP Thanh Hóa; thông qua chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ năm 2016 đến nay, phát triển được 19 cửa hàng tiêu thụ sản phẩm... Việc hình thành được những điểm trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm chính là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để những sản phẩm mang thương hiệu xứ Thanh đến gần hơn với người tiêu dùng. Đồng thời, tạo sự kết nối giữa đơn vị sản xuất với các cấp chính quyền để từ đó có sự hỗ trợ phù hợp, đưa sản phẩm hàng hóa của tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng.