Đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng

Thời gian qua, Sở Công Thương Phú Thọ đã đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức 170 hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá hàng Việt tới người tiêu dùng.

Xác định chất lượng là yếu tố quan trọng hàng đầu để chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh Phú Thọ đã chú trọng thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng.

Thời gian qua, Sở Công Thương Phú Thọ đã đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức 170 hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá hàng Việt tới người tiêu dùng.

Người tiêu dùng mua sắm hàng Việt. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Người tiêu dùng mua sắm hàng Việt. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Hơn nữa, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đã tổ chức 24 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi; 3 phiên chợ đưa hàng Việt về các khu nhà ở của công nhân với 275 lượt doanh nghiệp tham gia với doanh thu bán hàng đạt hơn 10 tỷ đồng.

Theo đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh được hỗ trợ quảng bá hình ảnh và sản phẩm ra thị trường trên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh tại địa chỉ giaothuong.net.vn; miễn phí tham gia gian hàng; hỗ trợ miễn phí cập nhập dữ liệu ban đầu lên hệ thống và website giới thiệu nông sản tỉnh Phú Thọ tại địa chỉ http://nongsan.phutho.gov.vn/.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo Cuộc vận động còn đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ kết nối, đưa sản phẩm nông sản như mỳ gạo Hùng Lô, thịt chua Duy Lợi (Thanh Sơn), thịt chua Điệp Đào (Thanh Sơn), rau an toàn Tứ Xã (Lâm Thao), bánh chưng Đất Tổ (Cát Trù, Cẩm Khê), dầu lạc, dầu vừng của Công ty TNHH Trung Hà Phú Thọ, bột canh của Công ty TOHA (Nông Trang, Việt Trì)... tiêu thụ tại hệ thống siêu thị cũng được đẩy mạnh, giúp tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm thế mạnh này.

Do đó, trước sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng đã giúp người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước. Nhờ đó, ngay trong giai đoạn khó khăn nhất do dịch COVID-19, doanh nghiệp đã được hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa.

Các giải pháp này cũng giúp tạo động lực cho doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư, chuyển giao công nghệ khoa học - kỹ thuật, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, chú trọng đổi mới mẫu mã và nâng cao chất lượng, giảm giá thành, xây dựng cơ chế và có chế độ ưu đãi cho doanh nghiệp, tạo sức cạnh tranh mới của sản phẩm, dịch vụ nhằm khẳng định thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Đặc biệt, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" hiện đang bước sang một giai đoạn mới trong bối cảnh Viêtj Nam hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt nhằm chiếm lĩnh thị trường.

Vì vậy, Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đặt mục tiêu tiếp tục triển khai các biện pháp đồng bộ; trong đó, hoạt động tuyên truyền cần chuyển mạnh sang hướng vận động doanh nghiệp chuyển đổi tư duy, phương thức sản xuất nhằm tăng quy mô, chất lượng sản phẩm hàng hóa; thúc đẩy phát triển các hình thức hợp tác, liên kết từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và giải quyết thị trường theo chuỗi.

Mặt khác, tiếp tục nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả, đã được kiểm chứng;mỗi địa phương tập trung hỗ trợ phát triển một số mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả, điển hình như trang trại, hợp tác xã kiểu mới... để khuyến khích phát triển, nhân rộng.

Không chỉ vậy, Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Phú Thọ còn khuyến khích thành lập hiệp hội bán buôn, bán lẻ tại các vùng miền và theo mặt hàng. Đặc biệt, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quản lý thị trường, đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả, bảo vệ các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Đến thời điểm này, nhiều sản phẩm do doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ sản xuất đã khẳng định chất lượng không chỉ ở thị trường tỉnh mà còn được các địa phương ưa chuộng như thịt chua Thanh Sơn, bánh chưng Đất Tổ, gạch men Tasa./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dua-hang-viet-den-gan-hon-voi-nguoi-tieu-dung/177837.html